HỒ TÔNG THỐC (Thế kỷ XIV)

Hồ Tông Thốc đỗ Trạng nguyên trong những năm Thiệu Khánh, triều Trần Nghệ Tông (1370-1372), từng làm học sĩ Hàn lâm viện. Cuối đời Trần Phế Đế (1377-1388), ông được thăng chức nhiều lần, làm đến Học sĩ phụng chỉ Viện hàn lâm, kiêm coi Viện thẩm hình, tước Đường Quận công, đi sứ nhà Nguyên. Hồ Tông Thốc nổi tiếng thông minh. Tương truyền, ông được người đương thời biết đến sau khi làm 100 bài thơ trên chiếu tiệc nhà Đạo nhân Lê Pháp Quan trong đêm Nguyên tiêu ở kinh thành Thăng Long. Khi Hồ Quý Ly lên ngôi, ông cáo quan về quê, mất lúc hơn 80 tuổi.

Hồ Tông Thốc là nhà văn, nhà sử học lớn của nước ta. Ông biên soạn và sáng tác nhiều tác phẩm như Việt sử cương mục (Sử Việt đại cương), Việt Nam thế chí (Ghi chép thế thứ các đời vua Việt Nam), An đăng Báo ân viện bi minh (Văn bia và bài minh viện Báo ân), Thảo nhàn hiệu tần thi tập (Tập thơ bắt chước chữ nhàn), Phú học chỉ nam (Chỉ dẫn học phú)... và nhuận sắc sách Hình thể địa mạch ca của Trần Quốc Kiệt. Đáng tiếc các tác phẩm trên thất lạc, hiện còn một bài thơ trong Toàn Việt thi lục, bài tựa Việt Nam thế chí và bài văn bia An đăng Báo ân viện bi minh.

Phương pháp nghiên cứu, sáng tác của Hồ Tông Thốc rất khoa học. Ông là một trong những nhà sưu tầm văn học dân gian sớm nhất ở nước ta. Sử gia Ngô Sĩ Liên đánh giá Hồ Tông Thốc qua Việt sử cương mục “Chép việc cẩn thận mà vẫn giữ được khuôn phép, luận việc thiết thực mà không thừa”.


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
25 người đang online