LÊ QUANG HÒA (1914-1993)

Thượng tướng Lê Quang Hòa (1914 - 1993)

Năm 1938, Lê Quang Hòa được giác ngộ và tham gia cách mạng, hoạt động trong Đoàn Thanh niên dân chủ Hà Nội. Năm 1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Tháng 12-1939, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 5 năm tù và đi đày ở nhà tù Sơn La. Tháng 3-1945, ông vượt ngục trở về hoạt động tại Sơn Tây, là thành viên Ban cán sự tỉnh. Trong Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia lãnh đạo, tổ chức giành chính quyền ở Sơn Tây. Từ tháng 11-1945 đến năm 1949, ông là Chính ủy viên Chiến khu 3, Bí thư Quân khu ủy, Ủy viên Thường vụ Liên Khu ủy.

Theo sách “Trung tướng Nguyễn Bình” của Văn Trường, thì vào năm 1945, chính Lê Quang Hòa là người chắp nối để Trung tướng Nguyễn Bình được gặp Bác Hồ và được Bác giao nhiệm vụ vào Nam thống nhất các lực lượng kháng chiến. “Tháng 9-1945, Lê Quang Hòa về Hà Nội, vào gặp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp nhận giấy giới thiệu làm Đặc phái viên Bộ Quốc phòng ở Đệ tứ chiến khu. Đặt chân tới Hải Phòng, đứng trước cổng ra vào có tấm biển: Bộ Tổng tư lệnh Đệ tứ chiến khu, Lê Quang Hòa cứ lặng lẽ bước lên những bậc xây, thẳng tới phòng làm việc của tư lệnh. Vừa đi, ông vừa nhớ lại lời dặn dò của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp trước khi rời Hà Nội: “Làm việc với anh Bình khó đấy. Đã có cán bộ đoàn thể phải bật ra. Rút kinh nghiệm của những người đi trước, chúng tôi tin ở anh”.

Nguyễn Bình liếc rất nhanh tờ giấy do Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp ký rồi ngẩng lên nhìn Lê Quang Hòa qua hai mắt kính đen to tướng: “Trước đây chưa giành được chính quyền khắp vùng Đông Triều và chưa đưa quân về chiếm Hải Phòng thì chẳng thấy Tổng bộ Việt Minh đâu, cũng chẳng thấy Chính phủ hay Bộ Quốc phòng và Nội vụ đâu. Nay sao lắm tổng bộ và bộ thế này?”. Đặc phái viên Lê Quang Hòa từ tốn trả lời: “Anh nói đúng đấy. Trước khi giành được chính quyền toàn quốc thì làm gì có Chính phủ, làm gì có các bộ. Nhưng thắng lợi của cách mạng nhất thiết không phải của riêng ai, cũng không phải của riêng một vùng nào. Nếu Hải Phòng và Đông Triều khởi nghĩa nhưng toàn quốc không vùng dậy thì đốm lửa nổi lên ấy bị dập tắt ngay lập tức”.

Nói thêm một vài câu, thấy Nguyễn Bình im lặng, Lê Quang Hòa tiếp tục nói về việc thực dân Pháp đã quay lại, tiếng súng kháng chiến của Nam bộ đã nổ. Lúc này phải đạt được sự thống nhất từ Bắc chí Nam, từ trên xuống dưới. “Chính quyền ta ở các địa phương có ủy ban hành chính các cấp và trên Trung ương là Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo...” - nói đến đây, Lê Quang Hòa đột ngột dừng lại để theo dõi phản ứng của Nguyễn Bình. Tư lệnh Đệ tứ chiến khu tỏ ra chăm chú nghe đặc phái viên khi nói tới Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thấy Nguyễn Bình mỗi khi nghe tới ba chữ Hồ Chí Minh, thái độ của ông có vẻ kính phục, Lê Quang Hòa bỗng nảy ra ý nghĩ là rất muốn để Nguyễn Bình được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Năm 1949, Lê Quang Hòa là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Trung Du. Năm 1950-1955, ông là Cục phó, rồi Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu.

Năm 1955-1956, ông làm Hiệu trưởng kiêm Chính ủy Trường Văn hóa Quân đội kiêm Cục trưởng Cục Văn hóa. Năm 1957-1960, ông là Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Trường sĩ quan Lục quân. Năm 1960-1963, là Chính ủy Bộ Tư lệnh Pháo binh. Từ năm 1963­1967, ông là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Năm 1967-1973, ông là Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Quân khu IV. Nhưng trước khi về Quân khu IV, ông đã tạo được cảm tình đối với các lực lượng vũ trang của Quân khu. Chuyện rằng, để chuẩn bị cho Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (Khoá III, họp từ ngày 25-3 đến ngày 27-3-1965) đồng chí Lê Quang Hoà có may mắn được lên trực tiếp báo cáo với Bác Hồ về tình hình tư tưởng và tổ chức của quân đội, về phong trào thi đua yêu nước trong toàn quân. Đồng chí Lê Quang Hoà đã thưa với Bác: Thấm sâu lời dặn của Bác trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày truyền thống của Quân đội “Toàn quân phải luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, hăng hái thi đua yêu nước với tinh thần mỗi người làm việc bằng hai” Quân ủy Trung ương đã phát động phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”. Phong trào đã thực sự trở thành động lực cho toàn quân “Ngày không giờ, tuần không thứ”, đơn vị nào cũng lập công, cá nhân nào cũng có bước trưởng thành. Bác rất vui khi nghe miền Nam đang thắng lớn, có nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh tiêu biểu tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng từ mặt trận Trị Thiên đến Quảng Nam- Đà Nẵng, các tỉnh Tây Nguyên, Sài Gòn, Gia Định và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bác rất vui vì trên tuyến đầu miền Bắc, lực lượng vũ trang Quân khu 4 và các tỉnh đã làm tốt công tác phòng tránh, đánh máy bay, tàu chiến, bám nhà máy, ruộng đồng đẩy mạnh sản xuất. Bác nhắc nhở phải hết sức chú ý đảm bảo việc học tập cho các cháu, chăm sóc đời sống cho chiến sỹ và đồng bào, hạn chế tổn thất đến mức thấp nhất. Bác ân cần căn dặn và gửi thư khen các lực lượng vũ trang và đồng bào khu vực Vĩnh Linh và các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh đã chiến đấu dũng cảm, lập chiến công to. Để động viên, cổ vũ quân dân tuyến lửa, Bác sẽ tặng cờ thưởng luân lưu cho quân và dân Quân khu IV. Mẫu cờ được Bác phác thảo: Nền đỏ, xung quanh có tua vàng, phía trên có 2 dòng chữ: “Cờ thưởng luân lưu-Cho quân và dân Quân khu 4”, tiếp đó là ngôi sao vàng năm cánh, dưới ngôi sao là dòng chữ: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, kế tiếp là một khoảng trống để Quân khu IV thêu tên các đơn vị lập công to và dưới cùng có chữ ký Bác Hồ.

Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Lê Quang Hòa là Trưởng đoàn Quân sự miền Bắc trong Ban Liên hiệp Quân sự 4 bên, trực tiếp, trực diện chiến đấu trên mặt trận ngoại giao với Mỹ- Ngụy tại sào huyệt của chúng tại Trại Đa-vit trong sân bay Tân Sơn Nhất. Năm 1973, ông là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, kiêm Bí thư Đảng ủy, Chính ủy đầu tiên của Quân đoàn 1.

Đến năm 1975, ông là Phái viên của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương ở Huế; Phó Chính ủy Thường trực Quân ủy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Chính ủy Chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp tham gia lãnh đạo cánh quân Duyên hải rồi cánh quân phía Đông. Năm 1976, ông tiếp tục giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Năm 1977, ông là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu IV. Năm 1980, ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tổng Thanh tra Quân đội. Ông được thăng hàm Thiếu tướng (năm 1973), Trung tướng (năm 1974) và năm 1986, ông được thăng hàm Thượng tướng, là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV.

Lê Quang Hòa không chỉ là vị tướng tài ba trong chiến trận, kiên quyết với kẻ thù và giữ kỷ luật một cách nghiêm khắc. ông còn là vị tướng, thủ trưởng bao dung và luôn quan tâm đến tâm tư, tình cảm và đời sống của bộ đội. Có lần, vào năm 1981, ông đi kiểm tra một đơn vị biên phòng tại Cốc Lếu (Lào Cai), thấy bộ đội biên phòng đời sống kham khổ, quần áo cấp một năm 2 bộ nhưng do đào hầm hào, đi tuần tra, phục kích... gai cây cối làm rách nát nên anh em cán bộ chiến sỹ phải tự khâu vá mặc không đúng điều lệnh. Hiểu hoàn cảnh lính chốt, nên ông không trách họ mà đùa thêm mấy câu. Chuyện sau đó rồi cũng quên, bộ đội cho đó là đùa vui của cánh lính. Nhưng bất chợt, gần một tháng sau, đơn vị được xe Tổng Cục Hậu cần vận chuyển quân trang đến cấp cho lính, hai người một bộ gọi là bổ sung chiến đấu.

Thượng tướng Lê Quang Hòa mất năm 1993. Với những đóng góp cho cách mạng, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; 2 Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều Huân chương khác.

 

Trích nguồn: Ban Thường vụ Thị ủy

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
89 người đang online