18/05/2023 | lượt xem: 2 NGÔ HUY NGỤ (1899-1930) Thuở nhỏ, Ngô Huy Ngụ tỏ ra rất thông minh, ông bà Ngô Huy Ly mừng thầm và tìm mọi cách cố gắng cho anh ăn học thành tài. Nhà nghèo, ông bà phải nhờ người bác ruột là Ngô Huy Lê (ở Ứng Hoà- Hà Đông) nuôi dạy, cho ăn học. Nhờ sáng dạ, được gia đình quan tâm, anh lại cố gắng miệt mài học tập, nên đã tốt nghiệp chương trình tiểu học được nhận bằng Xéc-ti-bi-ca vào loại ưu. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, ông bác và gia đình cố gắng cho anh vào học trường Bưởi- trung tâm giao tiếp văn hoá- văn minh của cả nước lúc bấy giờ. Ở đây, anh càng quyết tâm cố gắng học tập hơn. Qua giao tiếp với thầy giáo, bạn bè, anh tiếp thu được nhiều tri thức mới, càng hiểu hơn cuộc đời khổ nhục và nỗi đau của người dân mất nước. Anh tìm hiểu, tiếp cận và tích cực tham gia các phong trào đấu tranh của sinh viên và nhân dân Hà Nội. Đầu năm 1926, Ngô Huy Ngụ và nhiều học sinh trường Bưởi tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh. Sau sự kiện đó, anh và nhiều người khác bị đuổi học. Đây là cú sốc lớn đầu tiên đối với anh. Nó làm cho viễn cảnh tương lai với bao hy vọng của bản thân anh và gia đình bị đổ bể. Bây giờ biết đi đâu, về đâu, làm gì? Với sức học của anh và tấm bằng tiểu học loại ưu, trở về quê mở trường dạy học, anh vẫn có thể sống cuộc sống bình thường. Nhưng trong quá trình học ở trường, anh nhận ra rằng có một con đường khác đang thôi thúc, cuốn hút anh, đó là đi làm cách mạng. Đầu tiên, anh ra Hà Lầm với suy nghĩ làm thợ, kiếm sống và có thể hoạt động. Ở Hà Lầm, anh nhờ cậy 2 người chị là Ngô Thị Nhung và Ngô Thị Sâm để được làm thợ mỏ. Ban ngày, anh cùng công nhân vào lò, tối về anh mở lớp dạy học và tuyên truyên giác ngộ cách mạng cho mọi người. Nhờ những cố gắng nỗ lực đó, anh đã góp phần làm cho phong trào đấu tranh của công nhân mỏ Hà Lầm ngày một lên cao, thể hiện rõ hơn ý thức giai cấp và tinh thần dân tộc. Nhưng công việc mới bắt đầu thì bị lộ. Bọn địch tìm ra tung tích, theo dõi và bắt anh. Vừa vào nhà giam, chúng chưa kịp xét xử, Ngô Huy Ngụ đã tìm cách vượt ngục, trở về ấp Thái Hà (Hà Nội) mở trường dạy học tư. Tại đây anh tìm gặp các bạn bè cũ và móc nối đường dây liên lạc với tổ chức. Sau đó, anh được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Năm 1929, thực hiện chủ trương “Vô sản hóa”, đồng chí Ngô Huy Ngụ, Khuất Duy Tiến, Mai Thị Vũ Trang và đồng chí Nguyễn Văn Ngọ... được phân công về “vô sản hóa ở Nam Định”. Về Nam Định, đồng chí Ngô Huy Ngụ và đồng chí Khuất Duy Tiến và được Tỉnh bộ Nam Định phân công làm việc ở nhà máy tơ, sau đó sang làm ở nhà máy Sợi. Qua thực tế hoạt động và làm việc với công nhân, đồng chí Ngô Huy Ngụ càng thấu hiểu nỗi thống khổ của người thợ; thấy rõ sự bóc lột tận xương tuỷ, áp bức dã man, tàn bạo và nguồn gốc của những nỗi đau khổ cùng cực mà bọn chủ gây ra đối với giai cấp công nhân. Cũng chính nơi đây, đồng chí Ngô Huy Ngụ đã học được tinh thần hữu ái giai cấp và tinh thần đoàn kết đấu tranh của giai cấp mình. Hoạt động của các đồng chí “vô sản hoá” đã góp phần thúc đẩy phong trào công nhân ngày càng phát triển. Hàng ngày, sau những buổi đi làm về, đồng chí Ngô Huy Ngụ đi vào các xóm thợ, thăm từng gia đình công nhân, qua đó hiểu và gắn bó với anh em thợ hơn. Dần dần, tình cảm giữa đồng chí và anh em công nhân ngày càng thân thiết. Từ chỗ hiểu và tin nhau, đồng chí Ngụ khéo léo gợi mở cho họ con đường đấu tranh cách mạng, đấu tranh chống áp bức, bóc lột để bảo vệ quyền lợi giai cấp và quyền lợi dân tộc. Từ ngày 21-6 đến 21-7-1929, ở nhà máy sợi Nam Định liên tiếp nổ ra 4 cuộc bãi công. Trong các cuộc đấu tranh đó, đồng chí Ngô Huy Ngụ vừa là người tích cực tham gia, vừa trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh; hướng các cuộc đấu tranh vào các mục tiêu: chống đánh đập, cúp phạt, chống vi phạm nhân phẩm phụ nữ, tăng lương cho thợ... Từ mục đích kinh tế, dần dần tiến lên đấu tranh đòi tự do dân chủ. Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930) phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước nói chung và của Nam Định nói riêng dâng lên mạnh mẽ. Thực hiện kế hoạch tổ chức, được sự phối hợp, trợ giúp của đồng chí Trần Đình Quỳ và đồng chí Nguyễn Văn Dưỡng, trước ngày 25-3-1930, buổi sáng, vào đúng lúc tan tầm, công nhân đổ ra đường đông đúc, đồng chí Ngô Huy Ngụ đã chọn một vị trí cao thuận lợi để diễn thuyết, kêu gọi công nhân đứng lên đấu tranh với chủ nhà máy đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, sa thải thợ... Cuộc diễn thuyết xuất hiện và cũng kết thúc bất ngờ, nhưng tác dụng vô cùng to lớn. Nó khắc sâu trong tâm trí những người công nhân về cách mạng và con đường cách mạng, khi ra về ai cũng bàn tán xôn xao. Nhiều người đã bắt đầu tìm hiểu và hướng về cách mạng. Cuộc diễn thuyết cùng với cuộc bãi công ngày 25-3-1930 của công nhân nhà máy Sợi đã gây được tiếng vang trong cả nước, làm chấn động cả hàng ngũ địch. Sau cuộc đấu tranh đó, kẻ thù ra tay đàn áp, bắt 18 công nhân tham gia đấu tranh mà chúng cho là cầm đầu. Đồng chí Ngô Huy Ngụ bàn với đồng chí Khuất Duy Tiến và đồng chí Lê Mạnh Hiến tìm cách lọt vào nhà tù để giáo dục, rèn luyện số công nhân đã bị bắt để họ hiểu và tích cực tham gia đấu tranh cách mạng. Muốn thế, chỉ còn cách là chính đồng chí cũng “bị đi tù”. Đây là một việc làm hết sức khó khăn, nguy hiểm và không kém phần táo bạo. Bởi nếu không khéo rất có thể bị tra tấn, dẫn đến hy sinh tính mạng. Nhưng vì nhiệm vụ cách mạng, đồng chí Ngô Huy Ngụ đã không ngần ngại xung phong nhận. Để lọt vào tù, đồng chí Ngô Huy Ngụ chuẩn bị sẵn một kế hoạch khi gặp bọn lính, đồng chí cố tình làm sai quy định để bọn chúng có cớ bắt tống giam. Khi vào tù, đồng chí lại tìm cách để chúng tin và giao cho việc quản tù. Từ đó, đồng chí có điều kiện gần gũi, động viên, giúp đỡ anh em khi cần thiết. Những anh em bị bắt giam sau cuộc bãi công ngày 25-31930 đã được đồng chí giúp đỡ, động viên, giáo dục họ hiểu hơn tin tưởng hơn vào cách mạng và tích cực đấu tranh vì mục tiêu lý tưởng của Đảng. Khi nhiệm vụ hoàn thành cũng là lúc đồng chí Ngô Huy Ngụ mãn hạn được ra tù. Ngày 6-5-1930, đồng chí Nguyễn Hới, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định bị bắt, các cán bộ lãnh đạo của Tỉnh ủy Nam Định đã chủ động kiện toàn lại Tỉnh ủy. Ban Tỉnh ủy mới gồm các đồng chí chí Khuất Duy Tiến, Ngô Huy Ngụ, Lê Mạnh Hiến, do đồng chí Khuất Duy Tiến làm Bí thư. Sau khi Ban Tỉnh ủy được củng cố, phong trào cách mạng ở Nam Định có tiến triển rõ rệt và lan tỏa theo chiều rộng. Chỉ trong thời gian ngắn, từ ngày 25-7 đến 25-9, liên tiếp nổ ra các cuộc bãi công, biểu tình của công nhân xưởng Dệt (nhà máy Sợi), nhà máy tơ. Thực hiện chủ trương của Trung ương “ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ” và chống khủng bố trắng, Đảng bộ Nam Định lãnh đạo giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh và cuộc đấu tranh của nhân dân Tiền Hải (Thái Bình). Ngày 18-101930, Ban Tỉnh ủy Nam Định tổ chức cuộc họp với đại diện các nhà máy, khu phố bàn việc lãnh đạo công nhân và nhân dân đấu tranh để truy điệu 8 nông dân Tiền Hải (Thái Bình) bị thực dân Pháp sát hại. Đồng chí Ngô Huy Ngụ được giao nhiệm vụ lãnh đạo cuộc đấu tranh đó. Từ ngày 19 và 20 trở đi, truyền đơn đã được tung ra. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Huy Ngụ, được trợ giúp cộng tác tích cực của đồng chí Hồ Công Chương, Nguyễn Văn Dưỡng và đồng chí Sinh nên chỉ sau một đêm truyền đơn đã được rải khắp sân nhà máy Sợi, các trường học và đường phố đông người qua lại. Truyền đơn tố cáo tội ác của thực dân Pháp đã sát hại 8 nông dân Tiền Hải và đàn áp dã man cuộc đấu tranh ở Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nhân dân khắp nơi bàn tán xôn xao về tội ác của địch và sẵn sàng ủng hộ cách mạng. Theo kế hoạch, sáng sớm ngày 22-10-1930 sẽ tổ chức một cuộc mít tinh lớn ở sân bay thành phố. Do đó, ngày 21-10-1930, đồng chí Ngô Huy Ngụ và đồng chí Trần Đình Quỳ đã đi kiểm tra tình hình chuẩn bị cho cuộc mít tinh. Các đồng chí nhận thấy khí thế đấu tranh của công nhân và quần chúng nhân dân đã hơn hẳn thời kỳ trước đó và việc chuẩn bị đã tương đối hoàn tất. Các đồng chí còn dự kiến đến phương án nếu xảy ra tình huống xấu nhất thì “dù có phải hy sinh đến tính mạng, chúng ta cũng quyết thực hiện cho bằng được nghị quyết của Đảng”. Vì sự chuẩn bị khá rầm rộ nên ngay từ đêm hôm trước kế hoạch cuộc mít tinh đã bị bại lộ. Bọn địch đã bố trí một trung đội lính Lê Dương đến bao vây khu vực sân bay. Sáng sớm hôm sau (ngày 22-10-1930) đích thân tên công sứ Sa-pu-la chỉ huy lực lượng chống phá cuộc mít tinh. Mặc dù kế hoạch cuộc mít tinh bị lộ, nhưng vì mục đích đặt ra là để tuyên truyền, phát động rộng rãi trong nhân dân, nếu hoãn lại sẽ mất thời cơ nên đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nam Định vẫn quyết tâm giao cho đồng chí Ngô Huy Ngụ tổ chức bằng được cuộc mít tinh. Khi công nhân và các tầng lớp nhân dân ùn ùn kéo đến sân bay thành phố, lá cờ búa liềm được phất cao, cuộc diễn thuyết của đồng chí Trần Đình Quỳ vừa bắt đầu thì bọn lính Lê Dương xông đến đàn áp. Các đồng chí bảo vệ và công nhân đấu tranh giằng co quyết liệt với bọn lính để bảo vệ đồng chí Trần Đình Quỳ và đồng chí Ngô Huy Ngụ. Đồng chí Ngô Huy Ngụ ở vòng ngoài vừa bảo vệ đồng chí Quỳ vừa dùng tiếng Pháp để thuyết phục bọn lính Lê Dương. Tên công sứ Sa-pu-la tức tối xông đến tận nơi chỉ huy bọn lính đàn áp. Trước tình thế, đó đồng chí Ngô Huy Ngụ đã phải dùng gậy cản bọn lính để các đồng chí khác chạy thoát. Nhưng lực lượng lính quá đông, lại bố trí chặn ở nhiều nơi nên cuối cùng cả đồng chí Ngô Huy Ngụ, Trần Đình Quỳ và một số người khác đã bị bắt. Mặc dù đã bị trói cả hai tay, đồng chí Ngụ vẫn nâng cả hai tay bị trói nên hôn lớn: “đảo thực dân Pháp, phản đối khủng bố vô cớ” bằng cả tiếng Pháp. Biết bắt được chỉ huy trực tiếp cuộc mít tinh, kẻ thù rất hý hửng. Các tên Sa-pu-la, Ri-gan, Đơ-loóc, Đội Đỉnh ra sức tra tấn. Bọn chúng đã dở hết thủ đoạn, hết đòn bộ, đòn nước, đến đòn điện..., các đồng chí vẫn kiên quyết không khai lấy nửa lời, quyết tâm giữ vững ý chí chiến đấu và động viên nhau giữ bí mật cho Đảng. Trước tinh thần dũng cảm, kiên cường của các đồng chí, tên chánh mật thám Ri-gan đã phải cay đắng thú nhận với bọn đàn em: “Ngụ, Quỳ là những cục sắt đã được nung trong lò rồi, các anh phải coi chừng”. Hàng ngày, các đồng chí luôn hát vang những bài ca cách mạng và Quốc tế ca, chúng nghe thấy xông vào bắt các anh phải im, nhưng khi chúng vừa quay ra các anh lại tiếp tục hát. Một lần thằng Ký Phúc nổi cáu, nó vác búa đinh vào đánh hai anh. Đồng chí Ngô Huy Ngụ đã bị đánh gãy mất hai cái răng. Nhưng chúng vẫn không khuất phục được tinh thần của các đồng chí. Trong cảnh tù đầy bị tra tấn dã man và chế độ ăn uống kham khổ, hà khắc, đồng chí Ngô Huy Ngụ ngày càng suy yếu. Nhưng với tinh thần chiến đấu kiên cường của người cộng sản, dù trong hoàn cảnh nào, đồng chí vẫn tìm cách làm việc để có ích cho Đảng. Ở trong tù chỉ một thời gian ngắn, đồng chí đã tìm hiểu và tổ chức được chi bộ nhà tù, gồm 12 đồng chí. Đồng chí đã cùng một số anh em khác, tích cực tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần đấu tranh cho anh em và các đồng chí khác. Đặc biệt là tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và con đường đi tới cách mạng. Cùng nhau ra được báo “Người tù” nhằm đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù và tuyên truyền cho đấu tranh cách mạng. Đồng chí còn tích cực động viên anh em trong tù phải cố gắng học tập; học để nâng cao nhận thức và để làm cách mạng. Ngoài tờ báo, đồng chí còn trực tiếp huấn luyện cho anh em, đồng chí khác các nghiệp vụ đấu tranh cách mạng ngay tại phòng giam. Trong điều kiện nhà tù lúc đó, đồng chí đã bố trí cho anh em học từng nhóm nhỏ. Người có trình độ cao dạy người có trình độ thấp, người biết chữ dạy người chưa biết chữ. Dùng que làm bút; than, củi gạch non làm phấn; nền nhà là bảng... Anh em vẫn thường đùa vui “giấy rộng bao la, phấn mực vô tận”. Phong trào học tập của anh em tù chính trị phạm đã lan tỏa sang anh em tù thường phạm. Bọn cai ngục phát hiện được, sợ hãi, ra sức ngăn cản, nhưng không sao cản được. Nhiều người qua học tập trong tù từ không biết chữ, hoặc chỉ mới bập bẹ đánh vần, trở nên đọc thạo, viết thông hiểu hơn về văn hóa, lịch sử đất nước, giúp ích nhiều cho cách mạng sau này. Đồng chí Ngô Huy Ngụ đã sáng tác một bài thơ để động viên tinh thần học tập của các anh em như sau: “Mong sao học một biết mười Có công mài sắt ắt thời nên kim Nước nhà nô lệ đắm chìm Học làm cách mạng chớ nên biếng lười Công nông trí thức ta ơi Trong tù hãy kịp học thời học nhau Học làm cách mạng, học mau....” Đồng chí Ngô Huy Ngụ còn là người kiên quyết chống lại các biểu hiện, hành vi yếu đuối của người khác. Cuối năm 1930, kẻ thù đưa đồng chí Ngô Huy Ngụ ra tòa. Trước tòa án, đồng chí vẫn hiên ngang dùng lý lẽ đanh thép chống lại những lời buộc tội của chúng. Cuối cùng, tòa án đế quốc kết án đồng chí tù khổ sai chung thân và đưa về giam giữ ở Hỏa Lò (Hà Nội) Ở Hỏa Lò, đồng chí vẫn tiếp tục đấu tranh, thể hiện khí thế kiên cường của người chiến sỹ cộng sản. Sau một thời gian bị tra tấn tù đầy, sức khỏe đồng chí suy yếu nghiêm trọng, đồng chí mắc bệnh ho ra máu. Biết mình không thể qua được, vào một đêm trước lúc lâm chung, đồng chí đã kéo tay người đồng chí nằm bên thức dậy mà bảo “Anh Quỳ chắc khó sống, còn tôi thì khó có thể qua nổi. Trong ba em cũng bị bắt và bị tù đầy chỉ anh may ra sống sót trở về được. Hãy cố gắng tiếp tục sự nghiệp cách mạng của Đảng. Chúng mình là người của Đảng, không được phút giây nào lùi lại phía sau...”. Cả cuộc đời đồng chí Ngô Huy Ngụ đã chiến đấu, hy sinh cho Đảng, cho cách mạng. Trước lúc vĩnh viễn ra đi, đồng chí vẫn luôn nghĩ về Đảng và căn dặn chúng ta phải tiếp tục chiến đấu, hy sinh theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Trích nguồn: Ban Thường vụ Thị ủy Mỹ Hào
Quyết định Xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Địa điểm thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của thị xã Mỹ Hào
Kế hoạch Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch thị xã Mỹ Hào
Quyết định của UBND thị xã Mỹ Hào về việc sửa đổi, bổ sung điểm n khoản 1 Điều 2 của QĐ số 08/2022/QĐ-UBND của UBND thị xã Mỹ Hào quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng QLĐT thị xã Mỹ Hào
Báo cáo Sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thị xã Mỹ Hào