NGÔ THỊ SÂM (1906 – 1982)

Đồng chí Ngô Thị Sâm (1906 - 1982)

Khi học trường thuốc tại Hà Nội, Ngô Thị Sâm cùng với em gái của mình là Ngô Thị Nhung đã cùng với các sinh viên, học sinh tham gia phong trào để tang cụ Phan Châu Chinh nên bị đuổi học. Thời kỳ này, phong trào “Vô sản hóa” do các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng thành niên phát động đang lên cao, vừa để thực hiện phong trào, lại có người bà con ở vùng mỏ, hai chị em bà đã về mỏ Hà Lầm (Quảng Ninh) làm thợ và gia nhập hoạt động Hội Việt nam Cách mạng thanh niên tại đây.

Lúc này, cùng với người em họ là Ngô Huy Ngụ cũng về vùng mỏ, nhóm của Ngô Thị Sâm hoạt động rất tích cực nên bị phát hiện. Đỏng chí Ngô Thị Nhung bị thực dân Pháp bắt và nhốt ở Hỏa Lò. Đồng chí Ngô Huy Ngụ phải bí mật rời vùng mỏ về Hà Đông, đôgng chí Ngô Thị Sâm cũng tạm lánh nạn về quê nhà. Tháng 10 năm 1930, đồng chí Ngô Thị Nhung mãn hạn tù, bị thực dân Pháp quản thúc tại quê nhà. Tuy nhiên, đồng chí đã khôn khéo vượt qua sự theo dõi, kiểm soát của địch, tuyên truyền cách mạng cho những người ruột thịt và một số thanh niên tiến bộ tại quê hương, đồng thời tìm cách bắt liên lạc với cấp trên. Ít lâu sau, các đồng chí cán bộ Đảng là đồng chí Tư Già, Ba Ngọ đã về bắt liên lạc với đồng chí Ngô Thị Nhung. Từ đó việc tuyên truyền, phát triển tổ chức cộng sản tiến triển. Tháng 10-1930, tổ chức cộng sản Ngọc Lập được thành lập gồm các đồng chí: Ngô Thị Nhung, Ngô Thị Sâm, Phạm Phan Hiền, Huy Chương, Ngọc Mẫn, do đồng chí Tư Già phụ trách.

Sau khi lập gia đình, đồng chí Ngô Thị Sâm về hoạt động tại quê chồng (thôn Bình Phiên, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương). Được cấp trên đồng ý, đồng chí đã tuyên truyền, vận động thành lập Hội Ái hữu thôn Bình Phiên. Nhiều sách báo, tài liệu tiến bộ được Hội Ái hữu lưu truyền trong xã, từ đó, nhân dân đã từng bước hiểu về nguyên nhân của đói nghèo, lạc hậu, về sự áp bức của thực dân, phong kiến... Đồng thời, Hội cũng tổ chức quyên góp tiền bạc, giúp đỡ người nghèo, tương trợ nhau lúc khó khăn. Một số thanh niên trong làng, trong tổng được Ngô Thị Sâm giác ngộ, đã hiểu về chủ nghĩa cộng sản và con đường cách mạng giải phóng áp bức, nô lệ.

Giữa năm 1944, đồng chí Học Phi là cán bộ Xứ ủy, dưới danh nghĩa là em rể đồng chí Ngô Thị Sâm (đồng chí Học Phi là phu quân đồng chí Ngô Thị Nhung) về Cẩm Giàng kiểm tra, phổ biến một số chủ trương công tác, bàn việc kết nạp đảng viên và thành lập chi bộ Đảng để lãnh đạo phong trào. Khoảng cuối năm 1944, tại gia đình đồng chí Ngô Thị Sâm (thôn Bình Phiên, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng), các đồng chí thanh niên tiến bộ: Ngô Thị Mỹ Hảo, Nguyễn Văn Ân, Nguyễn Văn Lâm được kết nạp vào Đảng. Sau lễ kết nạp, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Cẩm Giàng được thành lập. Đồng chí Ngô Thị Sâm được cử làm Bí thư.

Sự ra đời của Chi bộ Đảng cộng sản là mốc son, là bước ngoặt lớn của phong trào cách mạng huyện Cẩm Giàng. Đây là lần đầu tiên, Cẩm Giàng có một tổ chức đảng lãnh đạo quy tụ sức mạnh toàn dân để từng bước nâng cao phong trào cách mạng. Trong hoàn cảnh thực tế cấp bách tại địa phương, Chi bộ đã vận động nhân dân phát huy truyền thống lá lành đùm lá rách, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, đói kém. Các đồng chí đảng viên và thanh niên tiến bộ cùng với Hội Ái hữu lập ra Ban Cứu tế, thành lập hũ gạo cứu đói ở hầu hết các gia đình. Đồng thời, vận động các gia đình giàu có cho người nghèo vay mượn không lấy lãi. Bằng các biện pháp đó, chỉ trong một thời gian ngắn, nạn đói trên địa bàn huyện Cẩm Giàng đã có kết quả tích cực. Cùng với đó, các đảng viên trong Chi bộ đã vận động nhân dân tăng gia sản xuất, tránh cầm cố ruộng vườn để giữ đất sản xuất. Những hoạt động của Chi bộ cộng sản đầu tiên này tác động tích cực đến đời sống nên nhân dân rất tin tưởng. Nhiều người đã tham gia Việt Minh hoặc ủng hộ Việt Minh bằng nhiều hình thức, cả vật chất lẫn tinh thần.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ngày 17-8-1945, quần chúng nhân dân huyện Cẩm Giàng nhất tề nổi dậy. Đoàn người biểu tình thị uy do đồng chí Ngô Thị Sâm, dẫn đầu kéo về huyện lỵ Cẩm Giàng cướp chính quyền, chiếm huyện đường, thu vũ khí, sổ sách, triện bạ của tri huyện, giành chính quyền về tay nhân dân. Cùng ngày, Ủy ban cách mạng lâm thời được thành lập tại thôn Bình Phiên. Ngày 17-8-1945 cũng là ngày mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Khi thực dân Pháp đánh chiếm Cẩm Giàng cuối năm 1946, đồng chí Ngô Thị Sâm chuyển công tác về tỉnh Bắc Giang và Liên khu Việt Bắc, lần lượt đảm nhiệm Huyện ủy viên, Chủ tịch Huyện hội Phụ nữ, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Hiệp Hòa, Phó ban Kinh tế Tài chính Liên khu Việt Bắc, Ủy viên chuyên trách Tỉnh hội Phụ nữ Bắc Giang...

Đồng chí Ngô Thị Sâm sinh được 5 người con. Người con cả sinh năm 1933, đi bộ đội năm 1948, là đảng viên, đã hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1967, khi là đại úy, Tiểu đoàn trưởng. Người con thứ hai sinh năm 1936 là đảng viên, nhà thơ, Giám đốc Nhà Xuất bản Văn hóa - Thông tin, đã mất năm 2015. Người con thứ ba sinh năm 1938 là đảng viên, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư, đã nghỉ hưu. Người con thứ tư, sinh năm 1940, là đảng viên, cấp bậc Đại tá, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng, hiện nay đang là Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam. Người con gái út, sinh năm 1943, là đảng viên, nguyên Trưởng phòng, Sở Lương thực Hà Nội, đã nghỉ hưu.

Sau khi hưu trí, tuy tuổi cao, sức yếu nhưng bà Ngô Thị Sâm vẫn liên tục tham gia công tác trong cấp uỷ, công tác hội phụ nữ ở Khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Dù ở cương vị công tác nào, bà cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng nghiệp tin yêu, mến phục, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Bà mất ngày 03-3-1982, tại Hà Nội, hưởng thọ 76 tuổi, 52 năm tuổi Đảng. Bà đã được truy tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và được Đảng và Nhà nước tặng nhiều Huân, Huy chương các loại.

 

Trích nguồn: Ban Thường vụ Thị ủy Mỹ Hào

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
220 người đang online