10/05/2023 | lượt xem: 3 NGUYỄN THẠC CHI (?- 1918) Ngay từ nhỏ, Thạc Chi đã tỏ ra là người trầm tĩnh, khoan hòa, ham học. Vì thế, tuy ít tuổi nhưng Nguyễn Thạc Chi nổi tiếng hiểu rộng, biết nhiều. Khi cha ông là Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc hoạt động, Cả Tuyển (Nguyễn Tuyển) theo nghĩa quân Yên Thế, bị tên Bá Ước phản bội, chỉ đường cho giặc vây bắt và hành quyết (1908), Thạc Chi vẫn còn nhỏ, phải theo người nhà đi trốn. Đến tuổi trưởng thành, Thạc Chi cùng chú là Nguyễn Thiện Kế sang Trung Quốc hoạt động. Tại đây, Nguyễn Thạc Chi đã gặp chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền và gia nhập tổ chức yêu nước của người Việt tại hải ngoại. Ông cùng các đồng chí của mình thường xuyên về nước gây dựng cơ sở, vận động, quyên tiền, tổ chức đưa thanh niên Bắc Kỳ sang du học tại Nhật Bản và Trung Quốc. Mùa thu 1912, Nguyễn Thạc Chi cùng với Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Lương Ngọc Quyến, Mai Lão Bạng, Hoàng Trọng Mâu... tổ chức Hội nghị thành lập Việt Nam Quang phục hội với mục tiêu đánh đuổi giặc Pháp khỏi Đông Dương, giành độc lập cho dân tộc. Hội nghị phân công Thạc Chi vận động cách mạng ở trong nước, tích cực liên lạc với các chí sĩ cách mạng ở khắp nơi, đồng thời tổ chức ám sát, xử trí một số tên thực dân đầu sỏ và tay sai đắc lực của chúng. Với hình thức đấu tranh vũ trang, bạo động, ám sát và vận động binh lính nổi dậy, Việt Nam Quang phục hội đã nhiều lần cử các thành viên của mình về nước để lên kế hoạch, tổ chức các hoạt động bạo động để tạo áp lực cho chính quyền Đông Dương cũng như gây tiếng vang cho dân chúng. Cuối năm 1912, Nguyễn Thạc Chi cùng Nguyễn Hải Thần đem 6 lựu đạn, 300 đồng Đông Dương đi đường Lạng Sơn về Bắc Kỳ với ý định tiến hành kế hoạch giết toàn quyền Abbert Sarraut, phá khoa thi Hương tại trường thi Nam Định (11-1912). Việc không thành, ông đã khôn khéo tránh được sự săn lùng của thực dân Pháp và tay sai, trở lại Trung Quốc. Năm 1914, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, nước Pháp không còn lực lượng quản lý vùng thuộc địa phía Đông, những đảng viên của Việt Nam Quang phục hội lại thừa cơ thành lập Quang phục quân tại Quảng Châu. Thân vương Cường Để cũng về Quảng Đông tham gia, tự nhận trách nhiệm quyên mộ binh lính và quân nhu, quân lương. Kế hoạch khi ấy chia làm ba cánh quân tiến đánh quân Pháp ở Việt Nam: Cánh quân thứ nhất từ Long Châu, Quảng Tây tiến vào Lạng Sơn, do Nguyễn Đức Công là Tư lệnh; Cánh quân thứ hai từ Thái Lan tiến về Trung Kỳ, do Nguyễn Thức Đường làm Tư lệnh; Cánh quân thứ ba từ Đông Hưng, Quảng Đông tiến vào Hải Dương, do Nguyễn Thạc Chi làm Tư lệnh. Tổng bộ đặt tại Quảng Châu, do Phan Bội Châu chủ trì. Sự tiến công của cánh quân thứ hai tuy thuận lợi, nhưng thực dân Pháp tìm cách tranh thủ sự hiệp trợ của chính phủ Thái Lan, nên Tư lệnh Nguyễn Thức Đường bị bắt dẫn độ về Việt Nam, sau đó anh dũng hy sinh vì nghĩa lớn tại Hà Nội, cùng một ngày với Tư lệnh Nguyễn Đức Công. Hai cánh quân thứ nhất và thứ ba đều lần lượt gặp khó khăn trở ngại, không thể thực hiện được kế hoạch đã đề ra. Năm 1916, chiến tranh thế giới lần thứ nhất lên tới cao trào, cuộc chiến giữa quân Đức và quân Pháp bước vào giai đoạn khốc liệt. Tiêu biểu là trận Verdun diễn ra trên đất Pháp (từ 21-2 đến 181-1916) khiến Pháp ngày càng kiệt quệ. Xác định đây là cơ hội tốt để giành độc lập, những người lãnh đạo Việt Nam Quang phục hội có ý tưởng tranh thủ các nước là kẻ thù của Pháp giúp đỡ. Nguyễn Thạc Chi cùng Nguyễn Thượng Hiền đã lên đường sang Xiêm (Thái Lan) liên lạc với công sứ Đức và Áo nhờ giúp Việt Nam đánh Pháp. Tuy nhiên, việc vận động này không thành công, hai ông quay trở lại Trung Quốc. Sau đó ít lâu, Nguyễn Thạc Chi nhận nhiệm vụ về nước tập hợp những người cùng chí hướng chống Pháp. Sau khi liên lạc những người yêu nước cùng chí hướng, ông triệu tập hội nghị ở nhà ông Lý trưởng xã Đồng Trung (tục gọi là làng Chuôm) gần ga Xuân Đào (nay thuộc xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm), là một cơ sở cũ của nghĩa quân Bãi Sậy. Không may có kẻ nội phản, hội nghị đang tiến hành thì giặc Pháp bất ngờ bao vây làng rồi ập vào khống chế. Nguyễn Thạc Chi bị đế quốc Pháp bắt, kết án tù chung thân, đày ra Côn Đảo. Tại nhà tù Côn Đảo, dù luôn bị bọn cai ngục đánh đập, tra tấn, theo dõi, nhưng Nguyễn Thạc Chi vẫn liên lạc với các tù nhân chính trị đồng chí hướng. Ông cùng với ông tú Phạm Cao Chẩm (người tham gia cuộc khởi nghĩa Duy Tân tháng 5-1916 bị giặc bắt đày ra Côn Đảo) lên kế hoạch tổ chức bạo loạn vũ trang cướp nhà tù. Ngày mùng 4 Tết Mậu Ngọ (14-2-1918), tù nhân vẫn đi làm ở các sở ngoài như thường lệ. Tù chung thân ở Banh I cũng ra đập đá dăm trên khoảng đất trống, sau Nhà bếp. Đến khoảng 2 giờ chiều, sau hiệu lệnh của Nguyễn Thạc Chi, tù nhân xông tới dùng búa đập chết gác dăng Simông và hai tên mã tà. Những người tù ào lên định xông vào cướp vũ khí và tấn công đội lính gác. Viên cai Lácmuyriê (Larmurier) vội đóng cửa lại và chỉnh súng qua chấn song bắn ra. Kẻng báo động nổi lên, bọn giám thị Tây, viên quan hai, sếp chánh và tên đốc Ăng đua (Andouard) chạy tới dẫn đầu một toán lính Tây. Hắn ra lệnh xả súng bắn vào thẳng những người tù đang tụ lại ở Nhà bếp, Hầm xay lúa và gian nhà dùng làm nơi cho tù đan lát. Cuộc tàn sát những người tù tay không vũ khí kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ. Nguyễn Thạc Chi, Phạm Cao Chẩm, cùng hơn 80 người tù chung thân đã gục ngã. Sau này, cụ Huỳnh Thúc Kháng kể lại: “Về đến banh, vào trong sân thì thấy xác chết nằm ngổn ngang, máu chảy thành đống, mắt không dám ngó”... Nguyễn Thạc Chi không chỉ là nhà cách mạng kiên cường mà còn là nhà thơ, nhà giáo dục. Gia phả dòng họ chép một số thơ của ông, như: “Thơ từ Côn Đảo gửi về”, “Bài ca chúc cha thượng thọ” và “Bài ca luân lý”. Trích nguồn: Ban Thường vụ Thị ủy Mỹ Hào
Quyết định Xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Địa điểm thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của thị xã Mỹ Hào
Kế hoạch Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch thị xã Mỹ Hào
Quyết định của UBND thị xã Mỹ Hào về việc sửa đổi, bổ sung điểm n khoản 1 Điều 2 của QĐ số 08/2022/QĐ-UBND của UBND thị xã Mỹ Hào quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng QLĐT thị xã Mỹ Hào
Báo cáo Sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thị xã Mỹ Hào