NGUYỄN THIỆN KẾ (1849 – 1937)

Nguyễn Thiện Kế theo anh trai Nguyễn Thiện Thuật làm việc quân từ năm Bính Tý (1877) khi Nguyễn Thiện Thuật đỗ Cử nhân được bổ làm Tri phủ Từ Sơn. Vừa đến Từ Sơn, ông đã sâu sát nắm bắt tình hình đời sống nhân dân, biết được tại đây có một tên cường hào ỷ thế quen biết nhiều quan to, ức hiếp dân, vơ vét của cải, không từ thượng vàng, hạ cám. Trong nhà hắn có đủ kho tàng lụa vải, thóc gạo, tiền bạc. Hắn còn là con quỷ dâm dục, hễ thấy nhà nào có gái đẹp, không cần quan tâm là có chồng hay chưa, hắn đều cho đàn em đến cắm chiếc gậy trước cửa nhà. Đêm hôm đó, cha mẹ, chồng con người con gái đó phải đi nơi khác và phải để lại cô gái cho hắn chiếm đoạt. Nhà nào trái lệnh lập tức bị làm hại, người bị bắt về tra khảo, gia tài bị tịch biên.

Khi nghe em trai báo cáo lại tình hình, Nguyễn Thiện Thuật một mặt bẩm lên quan trên, một mặt cho Nguyễn Thiện Kế họp dân thu thập tội ác của tên cường hào,ký tên vào đơn kiện hắn. Tiếp đó ông cho Nguyễn Thiện Kế đem quân vây nhà tên cường hào, bắt kết tội rồi giết ngay. Các kho tàng, của cải của hắn được giữ lại làm chứng cứ để khép tội ngấm ngầm mưu phản. Những tên cường hào, trộm cướp bắt được cũng giết luôn. Từ đó dân cư mới được yên ổn làm ăn.

Khi Nguyễn Thiện Thuật được thăng Hưng Hóa Sơn phòng chánh sứ kiêm Tán tương quân thứ Sơn Tây, Nguyễn Thiện Kế cùng Nguyễn Thiện Hiển giúp anh tiễu trừ giặc Khách (Trung Quốc) từ Bắc Giang đến Sơn La. Khi Nguyễn Thiện Thuật được phong chức Khanh sứ coi việc 16 châu thuộc hai tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, thì Nguyễn Thiện Kế lại giúp anh chiêu tập dân nghèo li tán, kể cả những thổ phỉ, giặc cướp đã đầu hàng, giúp đỡ cấp tiền, gạo để họ khai hoang lập làng bản, an cư lạc nghiệp, nhờ đó kinh tế phát triển, dân được sống bình an, không còn trộm cướp.

Cuối năm 1883, sau khi Hiệp ước Harmand, vua Tự Đức ra lệnh bãi binh ở Bắc Kỳ, nhưng Nguyễn Thiện Thuật kháng chỉ và lên Hưng Hóa, Tuyên Quang tiếp tục kháng chiến. Nguyễn Thiện Kế và Nguyễn Thiện Dương lại sát cánh cùng anh đánh Pháp. Năm 1884 thành Hưng Hóa thất thủ, anh em ông tiếp tục rút lên Lạng Sơn phối hợp với Lã Xuân Oai, Tuần phủ Lạnh Bình (Lạng Sơn, Cao Bằng) kháng Pháp. Khi thành Lạng Sơn thất thủ (tháng 3 năm 1885) Nguyễn Thiện Thuật lánh sang Long Châu (Trung Quốc) để mưu tính việc lớn thì Nguyễn Thiện Kế cùng Đề Vinh ở lại trong nước phối hợp với nghĩa quân ở Ninh Giang (Hải Dương); Ba Báo ở vùng sông Kinh Thầy; Đốc Tít ở vùng Hai Sông; Lưu Kỳ ở Lục Nam, Lục Ngạn; Nguyễn Cao ở Bắc Ninh... tấn công các đồn binh, các toán quân tuần tiễu Pháp và chuẩn bị lực lượng, vũ khí, lương thực chờ Nguyễn Thiện Thuật ở Trung Quốc về là phát động cuộc kháng chiến chống Pháp mới.

Tháng 7 năm 1885, nhận được chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, lại biết tin Đổng Quế thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy đang bị ốm nặng, Nguyễn Thiện Thuật liền từ Long Châu về nước, trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Nguyễn Thiện Thuật  cùng với em trai Nguyễn Thiện Dương (Lãnh Giang), Cử nhân Ngô Quang Huy, Nguyễn Hữu Đức hết lòng cùng Nguyễn Thiện Thuật khôi phục phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy và đưa lên quy mô rộng lớn hơn, quyết liệt hơn. Dưới sự chỉ huy của các ông, khởi nghĩa Bãi Sậy nhanh chóng lan rộng ra khắp tỉnh Hưng Yên và các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, liên kết được một số lãnh tụ Cần Vương khác ơt Thái bình, Ban Định…. Tạo thánh cả một phong trào sâu rộng ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ suốt những năm 1885 – 1889.

Nguyễn Thiện Kế được Nguyễn Thiện Thuật giao trực tiếp phụ trách phía Nam Bắc Ninh, Bắc Hưng Yên, Tây bắc Hải Dương. Với tài thao lược của mình, Nguyễn Thiện Kế lập được nhiều chiến công, có uy tín rất lớn với các tướng lĩnh, nghĩa quân và nhân dân. Khoảng cuối năm 1885, đầu năm 1886, vua Hàm Nghi phong ông chức Hồng Lô tự khanh, sung Bắc Kỳ Tán lý quân vụ, ông dâng sớ cáo từ, nhận lấy chữ Đường Dân làm hiệu.

Suốt những năm 1985 – 1989, từ căn cứ Bãi Sậy, nghĩa quân đẩy mạnh hoạt động ra nhiều vùng rộng lớn, vượt sông Hồng sang đánh phá các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa; và khống chế những tuyến giao thông chính: đường số 5 (Hà Nội – Hải Phòng), đường số 1 (đoạn Hà Nội – Nam Định), đường Hà Nội – Hải Phòng), đường Hà Nội – Bắc Ninh và các tuyến đường thủy trên sông Thái Bình, sông Đuống, sông Hồng… tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm cho quân Pháp khiếp sợ, phải căng mình đối phó.

Để đối phó với nghĩa quân, thực dân Pháp và triều định đã điều động một lực lượng lớn bao vây, đánh phá căn cứ Bãi Sậy, khiến ngihax quân bị tổn thất nặng nề. Tháng 10 năm 1890, Nguyễn Thiện Thuật phải sang Trung Quốc mưu tính một cuộc vận động mới. Nguyễn Thiện Kế được giao quyền tổng chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Dưới quyền Nguyễn Thiện Kế lúc này còn bảy tướng chủ yếu là: Đề đốc Nguyễn Văn Sung, người làng Dịch Trì (Yên Mỹ); Đề đốc Ban, người làng Bối Khê (Ân Thi); Đề đốc Nguyễn Đình Tính, người làng An Vĩ (Khoái Châu); Đề đốc Cọp, người làng An Xá (Kim Động); Lãnh binh Dương Văn Điển, người làng Phù Sa (Khoái Châu); Tuần Vân, người làng Như Quỳnh (Văn Lâm); Đề đốc Mỹ, người làng Xuân Cầu (Văn Giang). Các ông vẫn lấy Bãi Sậy làm căn cứ chính, nhưng hoạt động quân sự chủ yếu ở các huyện Từ Sơn, Tiên Du, Thuận Thành, Quế Võ, Lang Tài (Nam Bắc Ninh), Cẩm Giàng, Thanh Miện, Bình Giang (Bắc Hải Dương), Ân Thi, Mỹ Hào (Hưng Yên).

Nguyễn Thiện Kế vẫn cho dán các bản Thông cáo, Tuyên cáo kể tội giặc Pháp và tay sai, kêu gọi nhân dân tham gia nghĩa quân và tiếp tục thu thuế của nhân dân. Nghĩa quân cũng nhận được vũ khí của Lưu Kỳ chuyển đến sau thời gian bị gián đoạn. Thời gian này Nghĩa quân vẫn uy hiếp đường 5, đường 39, đường 38 Quán Gỏi - Sặt - Trương Xá và phục kích các toán quân Pháp đi tuần tiễu, đánh úp các đồn bốt.

Để dễ vận động, Nguyễn Thiện Kế chia quân thành các toán nhỏ từ 20 người đến 25 người hoạt động lưu động từ làng này qua làng khác. Chính các toán quân nhỏ này đã liên tục tập kích vào các đồn địch ở Khoái Châu, Hà Tiên (giáp ranh huyện Ân Thi của Hưng Yên và Thanh Miện của Hải Dương), Phúc Trạch (tổng Mễ Sở, Khoái Châu), gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Trong các giấy tờ quân Pháp bắt được của Hai Kế thường có chữ ký, có dấu là "Thương biên biện nguyên”.

Sang năm 1891, giặc Pháp tập trung quân điên cuồng khủng bố phong trào Bãi Sậy, nhưng nghĩa vẫn được sự ủng hộ tích cực của nhân dân và của các hào lý khắp vùng nên hoạt động rất mạnh mẽ, đến nỗi, Kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Hữu Độ đã phải mật báo với quân Pháp là: “Phải đón trước một cuộc tấn công bất ngờ của nghĩa quân Bãi Sậy ngay tại Hà Nội”. Để cắt đứt sợi dây liên lạc giữa nghĩa quân và nhân dân, “chỉ trong vòng 15 ngày của tháng 2 năm 1891, Viên thanh tra dân binh đã hành hình 75 hào mục ở khu vực Bãi Sậy”. Chúng còn tàn phá nhiều làng xóm như Lê Xá, Hành Lạc, khu đền Ghềnh, các đình Ngọ Cầu, An Xuyên thuộc tổng Như Quỳnh (Văn Lâm); tàn sát các gia đình có người tham gia nghĩa quân như Quản Chén, Bang Chu, Trương Đình Tuyển, Nguyễn Văn Cốc thuộc xã Như Quỳnh. Quân Pháp cũng đốt phá đình Muồng (nay thuộc phường Phùng Chí Kiên, thị xã Mỹ Hào). Ngay các quan chức Pháp đương thời cũng phải thừa nhận: "Nhiều làng xã bị đốt cháy bốn bề. Nhiều người nhà quê bị bắt, bị giết và những đồn binh của chúng ta thì bị tấn công. Nhìn chung tình hình không ổn định. Chính thức thì chúng ta nói không bị cướp bóc, xứ này đã bình định được rồi!”"Giữa vùng đồng bằng trong khu Bãi Sậy, bọn cướp bóc lại tổ chức và đe dọa nghiêm trọng các con đường giao thông chính như Hà Nội - Hải Dương và Nam Định - Hà Nội. Đầu năm 1891 một toán quân này đã dám tấn công Hà Nội phía tả ngạn sông Hồng, tức là giữa đồn binh từ Bắc Ninh về Hà Nội”.

Địch còn thú nhận: "Sau tết âm lịch, nghĩa quản tập trung lực lượng lớn tại căn cứ Bãi Sậy đến hợp tác với quân Lưu Kỳ. Có rất nhiều toán nghĩa quân đi lại từ Hưng Yên sang Hải Dương, Bắc Ninh. Các đội quân trên, khi đi riêng biệt, khi được những người nông dân che chở, họ trở thành những người nông dân chất phác, khiến bọn lính không sao phân biệt nổi đâu là nghĩa quân, đâu là dân thường. Tên tuổi, hành động của họ các quan chức An Nam đều biết rất rõ nhưng sợ không dám báo cho quân Pháp vì họ sợ bị trả thù”.

Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thiện Kế, nghĩa quân Lưu Kỳ, Tiền Đức đã tấn công các tàu thuyền của quân Pháp trên sông Thái Bình và sông Văn Úc. Lãnh Quý cũng trở lại chiến trường cũ là Thanh Hà, Tứ Kỳ, Kim Thành tổ chức lại đội ngũ liên tục đánh quân Pháp. Tại huyện Năng Yên, Thanh Lâm lại xuất hiện các đạo quân khác liên tục sẵn sàng chiến đấu.

Để đối phó với nghĩa quân do Nguyễn Thiện Kế chỉ huy, tòa sứ Hải Dương thực hiện gợi ý của Paubert tổng trú sứ Trung - Bắc Kỳ đã có ý định tổ chức lực lượng dân binh người bản xứ như người Anh và đã có kết quả ở Ấn Độ, Miến Điện, tòa sứ thành lập đạo quân này, gọi là lính cơ; lại cho quan phủ, huyện được tuyển lính, được trang bị vũ khí, sẵn sàng đánh phá nghĩa quân, đàn áp các làng ủng hộ nghĩa quân.

Việc xuất hiện đội lính cơ ở tỉnh là lính của các quan phủ, huyện gây khó khăn cho nghĩa quân. Chúng còn tung nhiều toán thám báo, mật vụ vào vùng nghĩa quân kiểm soát và dụ dỗ, mua chuộc nghĩa quân ra đầu hàng. Song nghĩa quân vẫn tiếp tục tấn công địch, tiêu biểu là trận đánh đồn địch ở Khoái Châu đềm mùng 4-3- 1891.

Ngày 17 tháng 3 năm 1891, do có nội gián, quân Pháp đã bao vây chùa Đống Long, nơi Đốc Sung đóng quân, Đề đốc Nguyễn Văn Sung, bị thương nặng và đã tự tử. Để trả thù cho Đốc Sung, Nguyễn Thiện Kế lệnh cho các tướng dồn dập tấn công quân Pháp. Ngày 24 – 3 – 1891, tấn công quân Pháp với sự hỗ trợ của các đồng Mỹ Hào, Đỗ Mỹ, Phong Cốc. Đầu tháng 4 năm 1891 tấn công các đồn binh Pháp. Đầu tháng 7 năm 1891 đánh tỉnh lỵ Thái Bình…

Trước áp lực tấn công liên tiếp của nghĩa quân, thực dân Pháp phải tập trung lực lượng quân sự mạnh đàn áp dữ dội hòng dập tắt cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, nhưng phong trào chỉ tạm thời lắng xuống. Hai Kế, Đề Ban, Đề Vinh vẫn duy trì, phục hồi phong trào, phát triển lực lượng nghĩa quân ở một số vùng để bẻ gẫy nhiều cuộc càn quét của chúng. Tuy bị địch truy bức liên tục nhưng chỉ trong tuần lễ đầu tháng 4 năm 1892, nghĩa quân Hai Kế, Đề Vinhđã hạ liền 5 đồn lính khố xanh và uy hiếp nhiều đồng binh khác. Hoàng Cao Khải và thanh tra Blanchard được tin báo vô cùng hốt hoảng, vội vàng điều 600 dân binh, 800 lính lệ đi chặn đánh nghĩa quân.

Quân Pháp tập trung lực lượng, liên tục gây vét, thực hiện kế ly gián, khủng bố dã man những người ủng hộ nghĩa quân, tách nghĩa quân khỏi nhân dân làm cho phong trào ngày càng suy yếu. Tuy lực lượng mỏng manh, nghĩa quân vẫn một ý chí phục thù, khi có thời cơ là đánh địch. Trong trận đấu ngày 12- 4- 1892 tại Bích Khê, ngô Thấn (thuộc huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh) quân Pháp dùng cả đại bác để băn sphas khiến nghĩa quân Bãi Sậy bị thiệt hại nặng, Nguyễn Thiện Kế gặp nhiều khó khăn, buộc lòng phải giải tán nghĩa quân.

Sau trận này, quân Pháp tung toàn bộ lực lượng truy quét nghĩa quân. Nguyễn Thiện Kế phải cải trang làm người bán thuốc buôn tẩu khắp nơi, thường qua lại Trung Quốc thăm anh, đưa đường cho nhiều người trong nước xuất dương Đông du.

Lấy cớ hai vụ ném lựu đạn giết chết tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn và làm bị thương một số sĩ quan Pháp khác ở Hà Nội dịp 14 tháng 3 năm 1913 và ngày 26 tháng 4 năm 1913, Hội đồng đề hình Pháp đã kết án chung thân vắng mặt đối với Nguyễn Thiện Kế. Năm 1914, chúng bắt được ông ở chợ Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông tự tử nhưng không thành. Giặc biết ông là người có tài và uy tín với nghĩa quân nên đã dùng mọi thủ đoạn dụ ông hợp tác với chúng. Ông khảng khái chống lại. Biết không thể thuyết phục được, chúng đã đầy ông ra Côn Đảo đến tuổi ngoài 70 mới tha về quản thúc tại quê nhà, cứ 7 ngày phải lên đồn Bần Yên Nhân trình diện một lần.

Trước khi đưa ông về quản thúc ở quê nhà, bọn quan cai trị Pháp và Nam triều dụ dỗ ông ra làm quan với chúng. Họ nói: “Ông không thức thời, ruột còn tối tăm”. Căm giận và khinh ghét thái độ của chúng, ông tự tay cấu rốn rút ruột cho chúng xem, miệng quát lớn: “Chúng bay xem, ruột ta trắng như ngó cần đây!”. Bọn chúng kinh hoàng bỏ chạy. Sau ông được cứu thoát, con cháu kể lại rốn ông có cái sẹo to bằng cái bát ăn cơm.

Bị quản thúc ở quê, nhà cửa, gia đình bị triệt hạ, con cháu, họ hàng phiêu bạt, gia tài khánh kiệt, ông sống cảnh bần hàn nhưng rất khẳng khái. Ông thường cởi trần, mặc quần lá tọa, giao du trong làng và kể chuyện đánh giặc cho bọn cai lệ quản thúc vốn rất kính nể ông. Trong câu chuyện mỗi khi chúng lân la hỏi hay gặp thủ hạ cũ lui tới thăm nom, ông vẫn dõng dạc: “Nếu ta còn sức khỏe ta sẽ tiếp tục đánh Tây đến cùng!“.

Khi sắp mất, ông viết vào gia phả như sau: “Anh em ta mồ côi từ thuở nhỏ, nhờ mẹ dạy bảo... Khi trưởng thành nhà cửa ở chung. Trong nhà anh em có lầm lỗi điều gì cũng đều bảo nhau, khoan thứ bỏ qua. Trong lòng chỉ biết có trung, tín, hiếu, nghĩa, từ ái, hữu cung. Gặp lúc phú quý thì xử cách phú quý, gặp lúc bần hàn thì xử cách bần hàn, gặp lúc hoạn nạn thì xử cách hoạn nạn... Vậy con cháu sau này nên bắt chước tấm lòng của anh em ta mà liệu cư xử với nhau. Phải vui với cảnh ngộ, thề chớ tha tâm. Đối với gia đình phải lấy chữ nhân, chớ có tranh giành, đối với thân mình phải lấy chữ kính, chớ có gian tà. Đối với họ hàng phải tương kính, tương ái. Đối với hàng xóm phải hết lòng hòa nhượng: Ấy là lòng mong muốn của chúng ta vậy!”.

Nguyễn Thiện Kế mất ngày 22 tháng 9 năm Đinh Sửu (25-10-1937) hưởng thọ 88 tuổi, an táng tại làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào.

Ngoài việc là chỉ huy quân Bãi Sậy, Nguyễn Thiện Kế còn làm nhiều thơ trào phúng. Trong dòng thơ trào phúng cận đại Việt Nam, tên tuổi ông chỉ đứng sau Tú Xương. Đối với nhân vật Lê Hoan, người đời cho là giúp quân Pháp chống lại Hoàng Hoa Thám, ông cũng có làm thơ trào phúng về nhân vật này. Ngoài ra, ông còn viết một số tác phẩm khác, như: Đại viên thập vịnh (30 bài vịnh 30 vị quan nhỏ), Phú tài bàn. Đặc biệt,  ông còn để lại bài thơ dài Chinh phụ ngâm ca ngợi Nguyễn Thị Tú là vợ Lãnh Giang mặc dù chồng chết từ khi còn trẻ vẫn ở lại nuôi mẹ chồng ốm yếu trong hoàn cảnh gia tài khánh kiệt, giặc luôn khủng bố… Đáng tiếc, con cháu ông hiện chỉ còn nhớ được một phần bài thơ.

Trích nguồn: Ban Thường vụ Thị ủy Mỹ Hào

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
78 người đang online