NGUYỄN TUYỂN (1872-1909)

Khi thực dân Pháp chiếm Bắc Kỳ, ông mới 11 tuổi. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình yêu nước, Nguyễn Tuyển tham gia nghĩa quân rất sớm. Năm 1885, Nguyễn Thiện Thuật về căn cứ Bãi Sậy, thay Đinh Gia Quế lãnh đạo phong trào, Nguyễn Tuyển mới 13 tuổi, nhưng ông đã cùng với các nghĩa binh tập bắn, tham gia canh gác và liên lạc. Khi cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy thoái trào, Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc tìm sự liên minh, ông tham gia chiến đấu dưới sự chỉ huy của người chú ruột là Nguyễn Thiện Kế. Sau trận chiến đấu lại làng Mậu Duyệt và làng Ngô Phần (Văn Lâm) ngày 10 và 11-4-1892, buộc Nguyễn Thiện Kế phải cải trang trốn tránh, Nguyễn Tuyển cũng mất liên lạc với chú. Khi Nguyễn Thiện Kế bị bắt và đày ra Côn Đảo, nghĩa quân Bãi Sậy tan rã, giặc bao vây khủng bố khắp nơi, Nguyễn Tuyển vẫn không nản chí, quyết tâm tìm đường chống Pháp. Bằng nhiều cách, ông bí mật lên Bắc Giang hội nhập với nghĩa quân Yên Thế, thuyết phục Hoàng Hoa Thám sử dụng sĩ phu, trí thức yêu nước. Mặc dù Hoàng Hoa Thám có định kiến với “những ngươi áo dài”, tức tầng lớp có học, nhưng do Nguyễn Tuyển là con trai Nguyễn Thiện Thuật, nên được Hoàng Hoa Thám tin dùng. Do có học vấn khá, lại được rèn luyện trong chiến đấu với ý chí quật cường nên không bao lâu sau, ông trở thành một trong những dũng tướng của nghĩa quân Yên Thế.

Một lần, quân Pháp và lính triều đình bí mật vào Lục Hà, một làng gần dốc Đanh (Yên Thế) tập kết lực lượng để chuẩn bị tấn công Phồn Xương. Do được mật báo gấp, nếu báo cáo Hoàng Hoa Thám sẽ mất cơ hội, Nguyễn Tuyển vẫn dẫn quân tập kích Lục Hà, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá tan kế hoạch tấn công Phồn Xương của giặc, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân sĩ.

Ngay từ những năm 1907 - 1908, Đề Thám đã cử những đơn vị do Đội Ca, Đội Nghĩa, Quản Tiên, Đội Hoà từ Yên Thế đến vùng Kim Anh, Đa Phúc, Lập Thạch hoạt động chuẩn bị cho nghĩa quân mở rộng địa bàn hoạt động. Các làng Phú Đa (Phúc Yên), Ái Liên, Liên Sơn, Sóc Sơn, Cẩm La, Trinh Nữ nghĩa quân đã thường xuyên xuất hiện.

Sau một thời gian hoà hoãn tạm thời, phát hiện được âm mưu của thực dân Pháp tập trung quân tiêu diệt lực lượng nghĩa quân, Đề Thám đã chủ động rút khỏi Phồn Xương sang đất Vĩnh Phúc. Tại đây, nghĩa quân của Đề Thám được nhân dân che chở, nuôi dưỡng và bổ sung lực lượng, thường tổ chức đánh du kích tiêu hao địch, và đã có những trận đánh lớn, gây ra nhiều khó khăn cho công cuộc bình định của Pháp. Tuy nhiên, địa thế Vĩnh Phúc không bằng Yên Thế, lực lượng nghĩa quân cũng bị hao mòn dần.

Lúc này Nguyễn Tuyển rút về núi Hàm Lợn (Kim Anh, Vĩnh Phúc) thu mộ nghĩa quân để hỗ trợ cho Yên Thế. Đầu năm 1909, giặc phát hiện, tấn công căn cứ Hàm Lợn. Do bị đau mắt nặng, lại bị Bá Ước phản bội chỉ đường cho giặc, nên ông đã bị bắt. Cũng trong trận này, Cả Huỳnh, một tướng tài của nghĩa quân Yên Thế cũng hy sinh.

Bắt được Nguyễn Tuyển, biết được ông là con trai của Nguyễn Thiện Thuật, nếu thu phục được ông sẽ có lợi cho kế hoạch bình định và yên dân ở Bắc Kỳ, giặc tra tấn dã man và dùng cả thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc ông. Tuy vậy, Nguyễn Tuyển vẫn không khuất phục. Ngày 21-3 năm Kỷ Dậu (1909), giặc giải Nguyễn Tuyển về Bần Yên Nhân xử chém. Bước lên đoạn đầu đài ông vẫn ung dung bình thản, mang khí phách của người quyết chiến đấu đến cùng để giải phóng dân tộc. Hình ảnh ấy làm quân thù khiếp sợ, nhân dân thương xót, sĩ phu kính trọng và được lưu truyền đến nay.

Trước khi mất, ông có thư gửi đồng bào: “Hỡi đồng bào, hỡi đồng bào, đừng thấy tôi chết mà nản lòng”, và có câu tuyệt mệnh:

Dục đãi thử hà thanh, nhất tử, bách ưu thiên hạ tận

An năng điền hải thạch, tái sinh Tam Đảo, Nhị Hà vô.

Tạm dịch là:

Mong đợi sông trong, một chết, trăm lo thiên hạ hết

Khôn lấp biển cạn, sống lại, sông Hồng, Tam Đảo còn không.

Trích nguồn: Ban Thường vụ Thị ủy Mỹ Hào

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
120 người đang online