TRẦN THỊ LỜI (1912 - 1950)

Trần Thị Lời sinh ra đã sớm mồ côi cha mẹ. Bà được người chị gái tên là Trần Thị Thân đã phải tần tảo chăm nuôi. Cuộc mưu sinh của hai đứa trẻ nay đây mai đó, bữa thì ở quê nhà Châu Đốc, khi thì lặn lội sang tận bên Campuchia. Hồi còn con gái, Trần Thị Lời có vóc người thanh thanh, nước da trắng hồng. Gái miền Tây xưa nay đều đẹp, đều giỏi nên cho dù nhà nghèo lại sớm mồ côi nhưng Trần Thị Lời lại có tư chất thông minh. Cuối năm 1930, bà lấy chồng là Nguyễn Văn Lộc - người làng Thứa  nay là phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào vào Châu Đốc lập nghiệp, làm nghề bưu chính.

Ba năm sau, đôi vợ chồng trẻ sinh hạ người con trai đầu lòng. Rồi họ được chuyển về Sài Gòn sinh sống và sinh người con trai thứ hai, nhưng chỉ được 3 tuổi thì mắc bệnh rồi chết. Sau cái chết của con, vợ chồng bà được chuyển ra Bắc, thời kỳ này không khí cách mạng đang sục sôi nên họ cũng như những người Việt Nam yêu nước đều không đứng ngoài cuộc. Về làng Thứa để sinh sống, đôi vợ chồng trẻ vừa làm việc ở sở dây thép, vừa kết hợp buôn bán và tham gia các hoạt động cách mạng.

Năm 1943, Trần Thị Lời sinh thêm một con gái. Rồi vào đúng năm cách mạng thành công (1945), họ đón người con thứ tư. Đầu năm 1946, bà bế theo người con út để đưa người bà con vốn làm công trong nhà có nguyện vọng trở về quê nhưng bị nghẽn đường mà không vào Nam được. Dừng chân ở Vinh, tham gia hoạt động phụ nữ tại đó, bà có nhiệm vụ mua vũ khí của bọn Tàu Vàng (quân đội của Tưởng Giới Thạch) khi đó vào Bắc Việt Nam để giải giáp quân đội Nhật, rồi giao cho cán bộ cách mạng ở Vinh. Sau đó Trần Thị Lời chuyển lên huyện Đô Lương buôn thúng bán mẹt nuôi con và tham gia lực lượng công an Nghệ An, Công an Liên khu 4. Tại đây bà được kết nạp vào Đảng. Hai vợ chồng sống xa nhau bởi hoàn cảnh công tác trong kháng chiến. Những lần gặp nhau hiếm hoi họ đều động viên nhau và hẹn nhau ngày gặp lại ở Thủ đô khi hòa bình được tái lập. Quãng thời gian ở Nghệ An, người con út mắc bệnh chết. Cái chết của người con trai út khiến bà suy sụp, nhưng được sự động viên của chồng và của anh em đồng chí mà bà đã vượt qua. Bà tiếp tục tham gia và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Năm 1949, bà được phân công chuyển sang làm việc ở địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tượng đài anh hùng điệp báo Nguyễn Thị Lợi (Trần Thị Lời) ở thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa

Rồi như một sự tình cờ, Trần Thị Lời gặp được ông Hoàng Đạo. Ông Hoàng Đạo gia nhập hàng ngũ Việt Minh ở xứ Thanh và làm chỉ huy công an của chính quyền cách mạng ở Thanh Hóa. Thấy Trần Thị Lời thông minh, lanh lợi, lại có kinh nghiệm tham gia lực lượng công an của Nghệ An và Liên khu 4 nên ông Hoàng Đạo rất quan tâm. Khi ta tổ chức Tổ Điệp báo mang mật danh A13, ông Hoàng Đạo được “đánh” vào thành, trở thành chỉ huy Đội Ngự lâm quân của vua Bảo Đại, được vua Bảo Đại phong Quốc vụ khanh. Ông báo cáo cấp trên để Trần Thị Lời tham gia tổ điệp báo với tên Nguyễn Thị Lợi, mật danh A16.

Năm đó, lợi dụng cơ hội Pháp sử dụng Thông báo hạm Amyot D’Inville đang trên đường từ Sài Gòn ra Hà Nội sẽ ghé Thanh Hóa, A13 quyết định đánh bom chiến hạm nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giáng đòn tâm lý vào kẻ xâm lược, làm phá sản âm mưu chiến tranh của thực dân Pháp. Và người giữ nhiệm vụ đặc biệt quan trọng không ai khác chính là nữ điệp báo Nguyễn Thị Lợi mật danh A16, đóng vai là phu nhân Quốc vụ khanh Hoàng Đạo. Trước nhiệm vụ vinh quang, Nguyễn Thị Lợi đã chủ động nói với đồng chí Hoàng Đạo: “Tôi hiểu rất rõ ý nghĩa của trận đánh này, tôi xin nộp cho tổ chức một bức thư tình nguyện cảm tử, mong tổ chức chấp nhận lời đề nghị của tôi”. Ước muốn tha thiết của chị được nắn nót thành những dòng chữ đầy cung bậc cảm xúc: “Tôi Nguyễn Thị Lợi quê Châu Phú - Châu Đốc, chiến sỹ tình báo, xin tình nguyện hy sinh cho Tổ quốc, rửa nhục cho thù nhà...”.

Ngày 26-9-1950, thực dân Pháp cho chiến hạm Amyot D’Inville, một trong những Thông báo hạm lớn nhất của Pháp trong khu vực Thái Bình Dương đến bãi biển Sầm Sơn để đón phu nhân Quốc vụ khanh. Hôm ấy, biển động sóng to, tàu Amyot D’Inville đậu xa bờ. Sáng ngày 27-9-1950, theo kế hoạch, Nguyễn Thị Lợi trong vai vợ Quốc vụ khanh cùng những đồng chí trong Tổ Điệp báo: Hoàng Đạo đi tiễn, Kim Sơn trong vai phiên dịch, Chu Duy Kính trong vai người ở, xách va ly cho phu nhân. Tất cả lên chiếc thuyền nhỏ thẳng tiến ra chiến hạm. Khi cập mạn tàu, Hoàng Đạo cùng Kim Sơn đưa chị Lợi lên boong tàu. Do không quen, chị bị say sóng. Tổ Điệp báo được thuyền trưởng ân cần tiếp đón và cho biết đã bố trí một căn phòng khang trang cho phu nhân Hoàng Đạo. Sau nghi thức chào hỏi, Hoàng Đạo xin phép Chỉ huy chiến hạm để vợ vào phòng nghỉ ngơi. Chu Duy Kính xách va ly chứa 30 kg thuốc nổ cùng “bà Hoàng Đạo” vào phòng. Anh kiểm tra, kích hoạt khối thuốc nổ và để vào vị trí đắc địa có thể công phá lớn nhất. Sau đó, đồng chí Hoàng Đạo, Kim Sơn và Chu Duy Kính chào từ biệt Trần Thị Lời lần cuối. Trong giây phút chia tay, bà nở nụ cười cùng đồng đội thay cho lời ly biệt...

Khi lên bờ, cả Tổ vừa hồi hộp, vừa lo lắng cho A16, tất cả đều hướng mắt ra Biển Đông. Bất chợt, một ngọn lửa từ chiến hạm bùng lên, kèm theo đó một tiếng nổ vang dội làm rung chuyển cả vùng biển Sầm Sơn. Thông báo hạm Amyot D’Inville nổ tung, một cột khói đen nổi lên giữa biển khơi mang theo 200 sỹ quan, binh lính Pháp và tay sai, cùng hàng trăm tấn vũ khí, quân trang xuống đáy biển Sầm Sơn. Nhiệm vụ đã thành công vang dội. Niềm vui hòa lẫn nỗi đau khôn xiết trước sự ra đi mãi mãi của Nữ điệp báo A16 đã hy sinh thân mình để làm nên chiến thắng. Nguyễn Thị Lợi đã thực thi nhiệm vụ cảm tử trong sự bình thản như thế, không một chút lo âu, run sợ hay ngập ngừng. Chiến hạm Amyot D’Inville nổ tung, không chỉ đập tan âm mưu của quân đội Pháp đánh vào vùng tự do khu IV thời đó mà còn làm sụp đổ một mưu đồ chính trị, dẫn đến mâu thuẫn nội bộ của kẻ xâm lược, góp phần thắng lợi cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc ta.

Ghi nhận công lao to lớn của bà, ngày 03-8-1995, Nhà nước đã truy tặng cho nữ điệp báo Nguyễn Thị Lợi (Trần Thị Lời) danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra bà được truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng Tượng đài, đặt tên nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi cho một trường trung học phổ thông và một con đường khang trang trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Trích nguồn: Ban Thường vụ Thị ủy Mỹ Hào

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
195 người đang online