GS.NGND. NGUYỄN LÂN (1906 - 2003)

GS.NGND. Nguyễn Lân (1906 -2003)

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân sinh ngày 14-6-1906 trong một gia đình nông dân hiếu học ở làng Ngọc Lập, phường Phùng Chí Kiên, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Nhà nghèo, nhưng cha mẹ ông rất quan tâm đến việc học tập của các con. Năm lên 5 tuổi, Nguyễn Lân đã được cùng các bạn theo học chữ Nho của cụ đồ Cự ở làng Phù Lưu (Bắc Ninh). Những ấn tượng về người thầy đầu tiên hiền hậu, thương yêu học trò, coi trọng nghề giáo đã tác động sâu sắc tới ông. Học được một năm, Nguyễn Lân được bố mẹ cho về học Trường Pháp Việt tại Phủ Từ Sơn. Năm Nguyễn Lân lên lớp 3, mẹ ông qua đời, để lại nỗi đau đè nặng lên trái tim ông. Ít lâu sau, gia đình Nguyễn Lân lâm vào cảnh túng bấn. Người anh cả là Nguyễn Tiến Trình đang làm việc tại Đề Gi - một cảng muối ở Bình Định đón bố ông vào phụng dưỡng và nuôi ông ăn học. Lúc ấy, tại Đề Gi chưa có trường nên Nguyễn Lân phải vào trường thầy dòng nội trú Gagelin gần Bình Định. Hồi đó, học ở trường nội trú phải trả những 17 đồng một tháng, gần một nửa số lương của người anh cả Nguyễn Tiến Trình. Được một thời gian, để tiện cho việc học hành của Nguyễn Lân, gia đình gửi ông ra học trường Trương Minh Sanh ở Hà Nội. Sau đó Nguyễn Lân đỗ khá cao vào Trường Bưởi. Ở Trường Bưởi, mặc dù Trường không cho phép các học sinh đọc sách tiếng Việt, nhưng Nguyễn Lân cùng bạn hữu vẫn mang sách Quốc văn lên phòng ngủ đọc lén, rồi chuyền tay nhau những tờ báo viết tay. Chính từ những sách báo ấy, năm 1925, với bút danh Từ Ngọc, cậu học sinh Nguyễn Lân đã bắt đầu sáng tác văn học. Tác phẩm đầu tay là Cậu bé nhà quê của Nguyễn Lân, theo nhà văn Nguyễn Khải thì cuốn này cùng với cuốn Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách là hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên ở Việt Nam. Về sau sách đã được đã được dịch ra tiếng Pháp và đã được trích dạy cho học sinh.

Năm 1929, Nguyễn Lân đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Năm 1932, ông đỗ tốt nghiệp với mức thủ khoa của trường. Ông được đi dạy tại Trường Hồng Bàng, hai năm sau làm giám học và dạy hai môn văn, sử tại Trường Thăng Long. Ông bàn với những người phụ trách, mời một số giáo sư giỏi như Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Phan Thanh, Nguyễn Dương, Tôn Thất Bình... làm giảng viên với suy nghĩ thầy giỏi thì trò sẽ giỏi. Quả đúng như mong ước của ông: Cả Đông Dương chỉ có vài ba chục thí sinh thi đỗ tú tài phần thứ nhất mà Trường Thăng Long đỗ tới 7 người, trong đó có ông Lê Khắc (sau làm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước). Đầu năm học 1935-1936 thực dân Pháp lại đẩy ông vào Huế. Tại đây, Nguyễn Lân dạy học ở 3 trường: Quốc học, Đồng Khánh, Bách Công. Vẫn với bút danh Từ Ngọc, ông vừa dạy học, vừa hoàn thành ba cuốn tiểu thuyết: Khói hương (1935), Ngược dòng (1936), Hai ngả (1938) và các truyện ngắn như Ai khốn nạn, Tiếng vang, Ngoài khơi. Các phẩm đề cao cái thiện, chống lại cái ác, bênh vực người cùng khổ, giầu giá trị nhân văn. Cũng trong thời gian này, ông cùng với cụ Ưng Hòe Nguyễn Văn Tố sáng lập Hội Truyền bá Quốc ngữ tại Huế và miền Trung. Năm 1940, nhân đọc mấy bài báo trong Nam Phong nói về Nguyễn Trường Tộ. Vô cùng kính ngưỡng vị học giả này, nên Nguyễn Lân cùng một học trò đến thăm mộ cụ ở Xã Đoài, Nghệ An. Xót xa trước cảnh tiêu điều của ngôi mộ Nguyễn Trường Tộ ở Bãi Đá Mài và xúc động trước tấm lòng yêu nước của cụ, Nguyễn Lân quyết định viết một quyển sách về sự nghiệp của cụ. Sách in, tiền nhuận bút Nguyễn Lân gửi cả về Nghệ An để xây cho Nguyễn Trường Tộ một ngôi mộ đường hoàng, xứng đáng với cụ. Năm 1945, Chính phủ Trần Trọng Kim mời Nguyễn Lân làm Đốc lý ở Huế. Nguyễn Lân đã chấp thuận với hai yêu cầu: Tuy làm đốc lý nhưng vẫn ăn lương nhà giáo và có giờ dạy học, hai là không giao thiệp với người Nhật đang có mặt ở Huế lúc ấy. Nguyễn Lân đã mở một lớp sư phạm, đồng thời tiến hành một số hoạt động hướng về cách mạng như mời các nhân sĩ ở Huế đến họp để đổi tên các đường phố từ tên tiếng Pháp sang tên tiếng Việt (đến nay, những tên phố ấy vẫn còn). Đồng thời, Nguyễn Lân đề nghị Vũ Văn Hiền, là Bộ trưởng Kinh tế của chính phủ Trần Trọng Kim xuất tiền mua gạo ở Quảng Nam ra Huế bán cho dân và mở một nhà tế bần nuôi những người hành khất. Trong thời gian này Đốc lý Nguyễn Lân đã đưa ra “Bản chương trình tối thiểu’’ gồm các nội dung sau đây:

1)Tẩy trừ các dấu vết của người Pháp: đổi tên các đường phố, sửa lại đài trận vong các tướng sĩ thành phố thành một đài kỷ niệm ngày tuyên bố độc lập; 2) Bài trừ nạn cờ bạc: trong lúc này dù là đàn ông hay đàn bà, dù ở bất cứ địa vị nào mà tụm năm tụm ba say mê với con bài lá bạc thì sẽ bị bắt giải toà và sẽ bị nghiêm trị; 3) Bài trừ nạn chợ đen; 4) Bài trừ nạn ăn mày: sẽ cộng tác với Hội đồng Cứu tế trung ương làm những nhà dục anh và tế bần, để bắt kẻ nghèo học nghề và làm việc; 5) Bài trừ nạn hối lộ: người nào định đút lót kẻ thừa hành chức vụ cũng như những kẻ ăn tiền hối lộ đều bị giải toà, kết án rất nặng; 6)Tổ chức lại ngạch cảnh sát để giữ gìn trật tự; 7) Chăm lo việc vệ sinh chung: đặt chỗ đổ rác; sửa các cống rãnh,cấm phóng uế ở vệ đường, ở bờ sông và ở các hầm trú ẩn , những kẻ tầm bậy sẽ bị phạt tiền, và nếu tái phạm sẽ bị đeo biển dẫn đi qua các phố; 8) Sửa lại đường sá, tuỳ theo ngân sách; 9) Đặt một Hội đồng thành phố gồm có những người nhiệt tâm ở các giới; 10)Phân phát các thực phẩm cho côn bằng; người nào khai gian thẻ hạn chế khẩu lương sẽ bị giải toà kết án thực nặng; 11) Kiểm soát việc đánh thuế chợ cho công bằng; 12) Tổ chức lại các phạn điếm bình dân; 13) Nhờ các bạn thanh niên dùng thì giờ rảnh làm các việc công ích; đào lỗ trú ẩn từng người; trồng khoai sắn ở hai bờ sông và ở các đất hoang để nuôi kẻ nghèo, đi khất thực giúp ban cứu tế; làm đồ thủ công bán lấy tiền giúp kẻ nghèo.

Thời gian sau, khi phong trào Việt Minh đến Huế, Nguyễn Lân cùng bạn bè đóng cửa Tòa đốc lý và cho xuất bản tờ báo Cách mạng đầu tiên ở Huế với tên là “Đại chúng”.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nguyễn Lân được chính quyền cách mạng cử làm Giám đốc Học chính Trung Bộ. Năm 1946, ông trở ra Hà Nội, dạy tại Trường Chu Văn An. Được một thời gian, kháng chiến bùng nổ, Nguyễn Lân đưa vợ con lên Việt Bắc và được cử làm Giám đốc giáo dục Liên khu 10 gồm 6 tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Tuyên Quang, Lào Cai và Hà Giang. Ở cương vị mới, Nguyễn Lân đã bổ dụng các trưởng ty giáo dục và cùng họ lo toan để đưa nền giáo dục dần vào nề nếp. Với chiếc xe đạp, ông đã đi đến từng tỉnh, từng trường để động viên các thầy cô giáo và các em học sinh phấn đấu dạy tốt, học tốt. Ông tích cực tham gia các hoạt động kháng chiến như tăng gia sản xuất, lấy tiền giúp quỹ thương binh, dạy các lớp bình dân học vụ, thăm hỏi bộ đội. Tuy bộn bề công việc, Nguyễn Lân còn biên soạn tài liệu để in thành sách giáo khoa văn, sử. Do làm việc tốt, ông được Bác Hồ tự tay đánh máy một bức thư khen (tháng 1-1948) và thưởng cho một bộ quần áo lụa bên trong có thêu dòng chữ Chúng cháu kính dâng Bác Hồ. Tháng 1-1949, ông lại được Bác Hồ tặng một bằng khen (số 162 SV). Nguyễn Lân được cử tiếp làm Giám đốc Giáo dục liên khu Việt Bắc. 

Năm 1951, Nguyễn Lân được cử đi dạy học ở Khu học xá trung ương ở Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc). Năm 1956, Ông về dạy tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Ở đó, ông đã đào tạo được một đội ngũ giáo viên tâm lý - giáo dục học cho các viện và các trường. Cũng trong thời kỳ này, Nguyễn Lân cho soạn nhiều cuốn sách giáo khoa về khoa học giáo dục có giá trị như: Lịch sử giáo dục học thế giới (1958), Người thầy giáo XHCN (1960), Giảng dạy trên lớp (1961), Giáo trình giáo dục học (1961), Công tác chủ nhiệm lớp (1962),Thuật ngữ Tâm lý học (1967)... Ngoài ra Nguyễn Lân đã biên soạn bộ Ngữ pháp Việt Nam (từ lớp 3 đến lớp 7 (1956) và nhiều tài liệu tham khảo cho môn tiếng Việt như Muốn đúng chính tả (1949), Viết thế nào cho đúng (1965), Tôi yêu tiếng Việt (1995)...

Nguyễn Lân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân (1988) và Giải thưởng Nhà nước về các công trình khoa học (2001). Ông về hưu năm 1971 ở tuổi 67. Toàn bộ thời gian hưu trí, Nguyễn Lân thanh thản bắt tay làm những công việc có ý nghĩa lớn, mong giúp ích cho lớp hậu sinh. Ông đứng chủ biên hoặc cùng với nhiều tác giả khác biên soạn các cuốn từ điển, gồm các từ điển, như: Từ điển tiếng Việt, Thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Từ và ngữ Hán Việt, Từ điển Việt Pháp, Từ điển Pháp Việt, Thành ngữ và tục ngữ Pháp Việt, Thành ngữ và tục ngữ Việt Pháp... Đến năm 2000, khi đã 96 tuổi ông lại cho ra đời cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam. Trong thời gian biên soạn cuốn từ điển này, con gái duy nhất của ông - TS. Nguyễn Tề Chỉnh mất, rồi người vợ hiền thục của ông ngã bệnh qua đời. Nỗi đau quá lớn, nhưng với tâm huyết của một nhà giáo dục, tác phẩm mà ông tâm huyết suốt đời vẫn đến tay bạn đọc.

Về đời tư, gia đình NGND Nguyễn Lân là một đại gia đình trí thức. Cuộc sống thanh bạch (nếu không muốn nói là chật vật , khó khăn) không làm nản lòng, phấn đấu vươn lên để làm gương cho con cháu. Ông vẫn thường dạy các con: “Ba không có tiền cho các con nhưng ba có thể giúp trang bị cho các con kiến thức. Có tri thức là có tất cả. Tiền bạc bao nhiêu cũng hết nhưng tri thức thì không bao giờ mất đi”. Nghe theo lời dạy của ông, cả 8 người con của ông đều phương trưởng, trở thành những nhà khoa học, nhà giáo, bác sĩ, nghệ sĩ công huân danh tiếng.

Con cả là GS.TSKH Nguyễn Lân Tuất, Nghệ sĩ công huân Liên bang Nga. Con thứ hai là nữ TS sinh học Nguyễn Tề Chỉnh - nguyên là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chồng là GS. Bùi Thế Kỷ - một trong những chuyên gia đầu ngành về tim mạch. Con thứ ba là GS.TS, Nhà giáo nhân dân,Nguyễn Lân Dũng là ĐBQH Khóa X. XI, XII; vợ là PGS.TS, Thày thuốc nhân dân, Đại tá Nguyễn Kim Nữ Hiếu. Con trai thứ tư là PGS.TS Nguyễn Lân Cường - chuyên gia về Cổ nhân học, Phó Tổng thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam. Con trai thứ năm là Nguyễn Lân Hùng - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Tổng thư ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam. Con trai thứ sáu là PGS.TS Nguyễn Lân Tráng, giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Con trai thứ bayy là GS.TS - NGND - Anh hùng lao động Nguyễn Lân Việt. Con út là PGS - TS Nguyễn Lân Trung - Hiệu phó Trường Đại học ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Gia đình NGND Nguyễn Lân có 18 cháu, nhiều người đã trưởng thành, như: Đại tá Nguyễn Ngọc Quang; TS. Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Bệnh viện Bộ Xây dựng; PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu, Thầy thuốc ưu tú, ĐBQH Khóa XIV, XV, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; TS. Nguyễn Kim Nữ Thảo, giảng viên trường Đại học Khoa học tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS -TS Nguyễn Lân Hùng Sơn, Chủ nhiệm khoa Sinh học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; PGS- TS Nguyễn Ngọc Lưu Ly, Phó Chủ nhiệm khoa tiếng Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội...

Ngày 7-8-2003, NGND Nguyễn Lân từ trần để lại sự tiếc thương cho 76 các con, cháu, chắt, cho bao thế hệ học trò và nền giáo dục nước nhà.

 

Trích nguồn: Ban Thường vụ Thị ủy Mỹ Hào

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
188 người đang online