LƯƠNG XUÂN NHỊ (1914-2006)

Danh họa Lương Xuân Nhị (1914 - 2006)

Sinh trưởng trong gia đình có cửa hàng bán bột màu và các dụng cụ mỹ thuật, từ nhỏ, Lương Xuân Nhị đã say mê tập vẽ và sớm bộc lộ năng khiếu hội họa. Những hình vẽ ban đầu về cảnh vật thân thuộc của cuộc sống gia đình, phố xá và những bà bạn đã giúp Lương Xuân Nhị thi đỗ thủ khoa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoá 7 (1932-1937). Trong thời gian là sinh viên tại ngôi trường này, Lương Xuân Nhị đã giành các giải Bạc (1935), Vàng (1936) và Ngoại hạng - Giải thưởng danh dự (1937) tại các cuộc triển lãm của Hội Khuyến khích Kỹ thuật và công nghệ Đông Dương (SADEAL). Toàn bộ tranh lụa sáng tác vào năm 1937 của ông đã được chọn tham dự Đấu xảo Paris cùng năm. 

Năm 1938, sau khi ra trường, Lương Xuân Nhị sống tự do bằng hội họa và nghề ảnh, đồng thời hoạt động như một diễn viên điện ảnh tài tử, nhằm tìm con đường tự do sáng tạo cho riêng mình và tự tôn giá trị văn hoá dân tộc. Một số họa sĩ trẻ cùng chí hướng đã tự đứng ra thành lập riêng nhóm FARTA (Nhóm Nghệ thuật An Nam) vào năm 1939. Nhóm FARTA gồm các hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tỵ... đã tổ chức hai cuộc triển lãm tranh vào khoảng thời gian năm 1938-1942, gây được tiếng vang lớn trong giới mỹ thuật. Có lúc do khó khăn về tài chính, một vài họa sĩ trong nhóm đã phải thuê chung một người mẫu để vẽ, đó là bà Sáu, người đẹp Hà thành xuất hiện khá đậm nét trong tranh của Lương Xuân Nhị, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân,. Về sau, bà Sáu tiếp tục làm người mẫu cho Nguyễn Gia Trí ở Sài Gòn.

Sánh vai với các tài năng trong nhóm FARTA, Lương Xuân Nhị càng thêm động lực và cảm hứng sáng tác. Năm 1938, tác phẩm lụa Quán nước bên đường của ông được Viện Bảo tàng World Headquarters New York sưu tầm. Năm 1943, ông cùng hai họa sỹ Nam Sơn và Nguyễn Văn Tỵ thực hiện chuyến đi giao lưu văn hóa và sáng tác tại Nhật Bản. Nhân dịp này, ông đã vẽ khá nhiều tác phẩm về thiếu nữ, phong cảnh xứ Phù Tang, được đánh giá cao về bút pháp, sắc màu, bố cục...

Phong cảnh và thiếu nữ là hai nguồn cảm hứng chủ đạo trong tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị. Ngay cả những giải thưởng mà ông nhận từ thời còn sinh viên đều trao cho những bức chân dung thiếu nữ.

Lương Xuân Nhị là một trong số các họa sĩ tài danh để lại nhiều dấu ấn của những khoá đầu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bên cạnh các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng..., có thể nói, Lương Xuân Nhị là họa sĩ hàng đầu thành công về đề tài vẽ chân dung phái đẹp từ trước Cách mạng tháng Tám. Không phải ngẫu nhiên mà tạp chí Pháp Indochine số 171 năm 1943 đã viết rằng: “Hoạ sĩ Lương Xuân Nhị, theo dư luận của công chúng, là họa sĩ vẽ chân dung người đẹp”. Sau này, chính họa sĩ Lương Xuân Nhị cũng tâm sự rằng: “Tôi là người Hà Nội nên cảm nhận được nét đẹp thầm kín, bí ẩn của thiếu nữ Thăng Long. Tôi vẽ rất nhiều chân dung về họ. Những dịp ra nước ngoài, tôi vẽ được một loạt chân dung thiếu nữ các nước Nhật Bản, Liên Xô, Tiệp Khắc, Đức, Ba Lan. Từ những cảm xúc khác lạ đó, giúp tôi tìm thấy cái riêng biệt của thiếu nữ Thăng Long”.

Cách mạng tháng Tám thành công, trong hai năm 1945-1946, ông đảm nhận chức vụ Chủ tịch lâm thời khu phố Cửa Nam, Hà Nội rồi tham gia giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Việt Nam.

Từ 1947-1948, ông là Chủ tịch Hội Văn hóa kháng chiến tỉnh Hưng Yên. Tại đây, ông tham gia mở các lớp đào tạo hội họa ngắn hạn; vẽ nhiều tranh địch vận cho Phòng chính trị quân đội Liên khu 3, góp phần tích cực đấu tranh làm tan rã quân địch. Với cách vẽ khái quát mang đậm hình nét của phong cách cổ điển Châu Âu, mỗi bức tranh địch vận của họa sĩ Lương Xuân Nhị được ví như một món quà nho nhỏ nhưng mang lại ấn tượng thị giác, tác động mạnh đến tâm lí của người lính bên kia chiến tuyến. Hai bức tranh địch vận của họa sĩ Lương Xuân Nhị là “Vì sao, vì ai” và bức tranh “Noel - Noel” hiện đang được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là minh chứng cho một mảng sáng tác lặng lẽ, âm thầm của Lương Xuân Nhị. Bức tranh “Vì sao, vì ai” họa sĩ vẽ một người lính Pháp đội mũ sắt, quỳ xuống giơ hai tay lên, như đặt một dấu hỏi, ngầm ý phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp tại Việt Nam. Cũng bằng cách lấy những bối cảnh đầy mâu thuẫn, tác phẩm “Noel - Noel” tái hiện hai bức tranh: một bên là người lính Pháp như xác chết không còn sinh khí, tựa gốc cây bị bom napan làm trơ trụi hết cành lá, một bên là cuộc sống xa hoa của những thanh niên Pháp mải mê dưới ánh sáng lung linh, nhảy theo điệu nhạc trong những bữa tiệc nơi quê nhà. Tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị không thể hiện những điều đao to búa lớn mà đánh trúng tâm lý của những người lính Pháp, với mục đích khơi gợi, vận động những tâm tư sâu lắng, thầm kín nhất của con người. Ở góc độ này, họa sĩ Lương Xuân Nhị như một nhà đồ họa chuyên tâm, khai thác triệt để ngôn ngữ đồ họa để vẽ nên những tờ tranh nhỏ xinh nhưng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa.

Từ năm 1949-1951, ông là Tổng thư ký Chi hội Văn nghệ Liên khu 3.

Hòa bình lập lại năm 1954, ông giảng dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, tiếp tục vẽ tranh địch vận phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Lương Xuân Nhị còn là tác giả cuốn sách “Giải phẫu tạo hình” (Nhà xuất bản Văn hóa, 1978). Cuốn sách là tài liệu học tập chính của môn giải phẫu tạo hình trong các trường nghệ thuật như Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và các trường cao đẳng nghệ thuật trên toàn quốc.

Tác phẩm

Đối với họa sĩ Lương Xuân Nhị dù bất cứ ở đâu, cương vị nào, ông cũng cống hiến bằng tất cả tài năng và tâm huyết của mình cho nền hội họa nước nhà. Và trong mọi hoàn cảnh, ông cũng luôn gắn bó với giá vẽ, nhờ đó mà ông có tác phẩm được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cùng các bảo tàng ở Paris, New York, Tokyo và ở nhiều bộ sưu tập cá nhân trong lẫn ngoài nước. Đặc biệt, những bức chân dung thiếu nữ đầy quyến rũ của ông đã trở thành một tài sản vô giá... Đánh giá về mảng tranh sơn dầu của ông, họa sĩ Quang Phòng viết: “Lương Xuân Nhị là họa sỹ nổi tiếng về nghệ thuật trau chuốt, mượt mà nhất một thời. Tranh sơn dầu của ông thể hiện những thân hình mảnh mai, yểu điệu của người phụ nữ trung lưu Hà Nội với các “pate” nhẹ và mịn, hiệu quả nhanh theo phết bút chìm trịnh trọng. Ngoài ra ông còn vẽ rất nhiều phong cảnh ruộng đồng nên thơ (hoặc tĩnh vật) - với con mắt tài hoa, tao nhã của người trí thức thành thị. Ông thuộc loại họa sỹ mà người Pháp thường gọi là “peintre charmant”, họa sỹ có cái đẹp thú vị, tỏa hương thơm” (Quang Phòng, “Mỹ thuật hiện đại Việt Nam”, NXB Mỹ thuật, 1996).

Họa sĩ Lương Xuân Nhị được phong học hàm Phó giáo sư, danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Là Ủy viên Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955-1977), Phó Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội 1966-1976, Hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa I (1957-1983) và khóa II (1983-1989). Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học- Nghệ thuật.

Họa sĩ Lương Xuân Nhị mất ngày 25-5-2006, hưởng thọ 93 tuổi. Ông là người rời cõi đời gần sau chót trong số các họa sĩ tài danh để lại nhiều dấu ấn của những khoá đầu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong niềm tiếc thương của nhiều người, nhất là các thế hệ môn sinh mỹ thuật và người yêu cái đẹp.

 

Trích nguồn: Ban Thường vụ Thị ủy Mỹ Hào

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
189 người đang online