05/06/2023 | lượt xem: 3 NGÔ THỊ NHUNG (1908-1995) Là con của một viên chức chính quyền, tiểu thư Ngô Thị Nhung cùng các anh, chị, em đều được học hành tử tế. Hết tiểu học trường làng, Ngô Thị Nhung được cụ thân sinh gửi đi học ở trường thuốc Hà Nội. Bà nói tiếng Pháp rất giỏi, nên thường được cụ thân sinh cho phép theo ra công đường (nếu cần, có thể phiên dịch cho cha). Đại tá, nhà văn Chu Lai, con trai bà kể lại, một lần, bà theo cha ra công đường xử án, gặp nhà văn Học Phi (Chu Văn Tập) lúc ấy hoạt động yêu nước, bị bắt. Nhìn xuống dưới sân công đường, thấy người tù trẻ, đẹp trai, lại biết người này đỗ tú tài đầu tiên của tỉnh, bà bị ngay tiếng sét ái tình đầu tiên. Lúc ấy, Học Phi mới 16 tuổi, chưa đến tuổi bị án nên được tha và quản thúc ở quê. Trời đông giá rét, nhìn chàng trai áo vải phong phanh đi theo con đê, bà tiểu thư Ngô Thị Nhung lén cha đi theo dúi cho cái áo bông rồi chạy về, chẳng nói với nhau được gì. Những ngày tháng học trường thuốc, tiểu thư Ngô Thị Nhung được tiếp xúc nhiều với báo chí, tài liệu cách mạng do các hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên truyền bá. Sẵn có cảm tình với những người yêu nước, Ngô Thị Nhung và chị gái của mình, Ngô Thị Sâm đã nhanh chóng tham gia các tổ chức quần chúng yêu nước do Hội Việt Nam cách mạng thanh niên thành lập. Để bồi dưỡng tinh thần giai cấp cho hai nữ sinh tiểu tư sản, tổ chức đã vận động Ngô Thị Nhung, Ngô Thị Sâm về tham gia lao động, sinh hoạt cùng với giai cấp công nhân. Trong họ có nhiều người làm ở vùng mỏ, hai bà đã về mỏ than Hà Lầm xin làm công nhân. Thời gian này, người em họ của các bà là đồng chí Ngô Huy Ngụ cũng bị đuổi học, về Hà Lầm ở với hai chị. Ba chị em, bằng vốn kiến thức tiếng Pháp của mình, đã tích cực giúp đỡ quần chúng đấu tranh trực tiếp với cai mỏ người Pháp, đồng thời tuyên truyền trong anh chị em công nhân những tư tưởng tiến bộ. Một thời gian, đồng chí Ngô Huy Ngụ bị mật thám theo dõi, phải chuyển về Hà Đông. Ngô Thị Nhung bị bắt, nhưng chưa có chứng cứ xác đáng, bọn thực dân Pháp phải chuyển bà về giam ở Hưng Yên, Ngô Thị Sâm phải chuyển về quê nhà Ngọc Lập, Mỹ Hào. Ở nhà giam, một đêm thanh vắng, Ngô Thị Nhung bỗng nghe tiếng ngâm thơ sang sảng từ dãy phòng nam. Nghe giọng quen quen, mấy hôm sau dò hỏi, mới biết người ngâm thơ đêm trước chính là người ngày xưa mình đưa áo bông, nhà văn, nhà biên kịch Học Phi (Chu Văn Tập). Vậy là hai người bắt liên lạc với nhau. Nửa cuối năm 1930, mãn hạn tù, Ngô Thị Nhung bị thực dân Pháp quản thúc tại quê nhà. Tuy nhiên, đồng chí đã khôn khéo vượt qua sự theo dõi, kiểm soát của địch, tuyên truyền cách mạng cho những người ruột thịt và một số thanh niên tiến bộ tại quê hương, đồng thời tìm cách bắt liên lạc với cấp trên. Ít lâu sau, các đồng chí cán bộ Đảng là đồng chí Tư Già, Ba Ngọ đã về bắt liên lạc với đồng chí Ngô Thị Nhung. Từ đó việc tuyên truyền, phát triển tổ chức cộng sản tiến triển. Tháng 10- 1930, tổ chức cộng sản Ngọc Lập được thành lập gồm các đồng chí: Ngô Thị Nhung, Ngô Thị Sâm, Phạm Phan Hiền, Huy Chương, Ngọc Mẫn, do đồng chí Tư Già phụ trách. Cũng trong thời gian này, nhà văn Học Phi tìm về Ngọc Lập để ra mắt cha mẹ Ngô Thị Nhung. Hai người thành vợ thành chồng, mua một căn nhà tại phố Tân Thị, tỉnh lỵ Hưng Yên để mở tiệm ảnh. Do biết nhau từ trước, các đồng chí cán bộ cách mạng khu vực Kim Động, tỉnh lỵ Hưng Yên, Tiên Lữ như đồng chí Tích (Tạo), Cao Văn Thung (thân phụ nhạc sỹ Cao Việt Bách)... đã bắt liên lạc với đồng chí Học Phi. Tiệm ảnh phố Tân Thị của vợ chồng đồng chí Ngô Thị Nhung- Học Phi trở thành cơ sở hội họp, liên lạc của Xứ ủy Bắc Kỳ và tổ chức đảng Nhân Dục- tỉnh lỵ Hưng Yên. Về tỉnh lỵ Hưng Yên, Ngô Thị Nhung xin làm nữ hộ sinh tại nhà thương của tỉnh. Chồng thường xuyên xa nhà, đi hoạt động ở Hà Nội và các tỉnh, đồng chí Ngô Thị Nhung phải quán xuyến việc nhà nhưng vẫn đảm nhận nhiều công việc do tổ chức giao. Trong đó, nhiệm vụ vận động các viên chức chính quyền tay sai là nhiệm vụ hết sức nguy hiểm và đòi hỏi sự khôn khéo, linh hoạt, nhưng đồng chí Ngô Thị Nhung vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều viên chức chính quyền tay sai ở tỉnh lỵ Hưng Yên được tuyên truyền, vận động, đã bí mật giúp đỡ cách mạng hoặc tham gia vào Mặt trận Việt Minh. Cũng trong thời gian này, với danh nghĩa về nhà cha mẹ đẻ ở thôn Ngọc Lập, đồng chí Ngô Thị Nhung còn móc nối đề đồng chí Nguyễn Thị Minh Châu (cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ về tăng cường cho tỉnh Hưng Yên) bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân và đồng chí Nguyễn Sỹ Phùng, tổ chức thành lập Ủy ban vận động Việt Minh huyện Mỹ Hào. Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ. Tại tỉnh lỵ Hưng Yên, ngày 18-8-1945, ta dùng nhân mối là các viên chức chính quyền ủng hộ Việt Minh từ trước thuyết phục binh lính trong trại kết hợp với tuần hành của lực lượng quần chúng bên ngoài làm áp lực, buộc địch phải giao trại Bảo an binh cho ta. Được tin trại lính đã vào tay lực lượng cách mạng, nhân dân và các khu phố treo cờ đỏ sao vàng. Bọn sĩ quan Nhật ra lệnh bắt nhân dân ta hạ cờ, nhưng quần chúng nhân dân đấu tranh quyết liện khiến bọn Nhật phải chịu. Lực lượng cách mạng tiếp tục tiến quân đến dinh tỉnh trưởng, các anh em lính cơ, lính lệ được giác ngộ từ trước đã nhanh chóng mở cổng dẫn cán bộ Việt Minh vào tận nơi làm việc của tỉnh trưởng Trần Lưu Vị. Trước uy thế của cách mạng, tỉnh trưởng Trần Lưu Vị nhanh chóng đầu hàng, giao ấn tín lại cho Việt Minh. Ngày 22-8-1945, toàn tỉnh tiến hành tổng biểu tình, mít tinh giành chính quyền trong cả tỉnh. Trong cuộc mít tinh, cán bộ Việt Minh đã đọc lệnh tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thông báo tin thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở các tỉnh bạn. Đồng thời phổ biến chính sách của Việt Minh, kêu gọi mọi người tham gia ủng hộ Việt Minh. Tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Ngay đêm 22-8-1945, tại nhà đồng chí Ngô Thị Nhung, một Hội nghị của các đồng chí lãnh đạo khởi nghĩa của tỉnh được diễn ra, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Cũng ngay trong đêm, tại ngôi nhà phố ở Tân Thị đó, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hưng Yên được thành lập, gồm các đồng chí: Học Phi, Lương Hiền, Trình, Sáng và Trịnh Quốc Đông, Trương Công Nghệ, đồng chí Học Phi làm Chủ tịch. Sau năm 1954, đồng chí Ngô Thị Nhung làm tại khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Tại đây, đồng chí cũng được đồng nghiệp và tổ chức đánh giá cao về chuyên môn cũng như trong các hoạt động chung. Trong gia đình, đồng chí Ngô Thị Nhung là người vợ, người mẹ mẫu mực, tần tảo, chịu thương chịu khó. Hai vợ chồng bà có với nhau 10 người con, nhưng bà không bao giờ mắng mỏ hay đay nghiến mà yêu chồng, yêu con đến tận cùng. Rất đau xót, 10 người người con của bà vừa đi bộ đội hy sinh, vừa bị giặc Pháp càn quét mất 8 người. Nhà văn Chu Lai kể lại “Khi tôi đã là diễn viên kịch của Tổng cục chính trị, lúc ấy bom đạn tơi bời chúng tôi đang sơ tán ở Thạch Thất, tôi nhận tin của bố nói người anh ruột hy sinh, đó là người anh tôi thân yêu nhất, quý nhất, hy sinh ở cung đường Yên Bái. Tôi vội phóng về, nửa đêm đưa mẹ đi tàu hỏa lên Yên Bái, trong đêm mưa dầm gió bấc. Mẹ tôi cao 1m50, đường ray khoảng cách rộng, tôi một tay cầm đuốc một tay dắt mẹ, bà cụ cứ nhảy nhảy các bậc ray 9 km như thế, đến khi tới nấm mồ kiệt sức, nhìn thấy mộ con có bát cơm quả trứng, mẹ chỉ quỳ xuống và không khóc được nữa. Đấy là người con sau này hy sinh, còn người con cả lại khác, người anh tôi chưa biết mặt. Khi phong trào Nam tiến đánh Pháp sục sôi, anh ruột tôi 16 tuổi ăn cắp khẩu súng ngắn của ông chủ tịch tỉnh (tức nhà văn Học Phi) để xung vào đoàn quân Nam tiến. Một tháng sau, anh gửi ra một bài thơ. 2 tháng sau, gửi ra 2 bài thơ. Nhưng đến tháng thứ 3, người ta gửi về giấy báo tử. Mãi sau này mẹ tôi vẫn cứ khắc khoải về người anh cả chết mất xác ở Buôn Ma Thuột nên tôi quyết định bỏ ra một tuần đi tìm xác anh. Tôi đi khắp nơi hỏi có một cái đền thờ những người liệt sĩ Nam tiến và lấy dưới đáy bia một ít đất cho vào trong lọ mang về cho mẹ coi như hương hồn anh trở về. Mẹ tôi nhìn cái lọ đấy, mặc dù là biểu tượng, không khóc nhưng thấy thanh thản, và một thời gian, bà ra đi”. Đồng chí Ngô Thị Nhung mất ngày 6-6-1995 tại Hà Nội. Gia đình đồng chí được Chính phủ tặng Bằng "Có công với nước". Bản thân đồng chí được tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba. Năm 2014, đồng chí được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.