NGÔ HUY TĂNG (1912-1932)

Đồng chí Ngô Huy Tăng (1912- 1932)

Ngay từ tấm bé Ngô Huy Tăng đã phải sống cuộc đời lận đận. Năm 8 tuổi mồ côi bố mẹ, được người anh đưa về Quảng Ninh nuôi. Năm 16 tuổi, anh xin vào làm thợ phụ cho xưởng cơ khí nhà máy sàng Cửa Ông.

Công việc ở đây khá vất vả, Ngô Huy Tăng vóc người nhỏ bé, sức yếu, nhưng hàng ngày anh phải nai lưng khuân vác những thanh sắt nặng, làm hết việc này đến việc khác, không lúc nào hở tay. Thế mà lúc nào anh cũng bị cai xếp đe dọa nay đuổi mai đuổi, cho là làm lười, làm yếu. Trong khi đó có kẻ nhàn hạ, ngồi mát ăn bát vàng, sống cuộc đời giàu sang. Cảnh trái ngược ấy khiến Ngô Huy Tăng phải đặt ra những câu hỏi về sự bất công trong xã hội.

Trong thời gian này ở vùng Mỏ, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đã được thành lập. Năm 1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, ủy viên kỳ bộ Bắc Kỳ, đặc trách phong trào công nhân vùng Duyên Hải, đã điều động một số cán bộ có năng lực ra khu vực Cẩm Phả - Cửa Ông để xây dựng cơ sở cách mạng. Ở Nhà sàng Cửa Ông có “thầy ký” Môn (bí danh của đồng chí Đặng Châu Tuệ) tính tình vui vẻ, uyên bác, hay trò chuyện khuyên bảo điều hơn lẽ thiệt, ở gần khu lán thợ của Ngô Huy Tăng... Sau nhiều lần trò chuyện, nhận thấy ở Ngô Huy Tăng có lòng căm thù giặc Pháp sâu sắc, “thầy ký” Môn có hỏi: “Cậu có dám làm việc đánh đổ Tây không?” Ngô Huy Tăng không ngần ngại, khẳng khái nhận lời. Và từ ấy, anh đã đảm nhận nhiều công việc mà đồng chí Đặng Châu Tuệ giao cho, dù biết đó là công việc “quốc cấm”. Nhờ sự giác ngộ, giáo dục của người cán bộ cách mạng do Đảng phái đến vùng Mỏ này, Ngô Huy Tăng thấy rõ tương lai tươi sáng của giai cấp và dân tộc. Anh bước vào con đường cách mạng bằng công tác tuyên truyền, vận động anh em thợ đoàn kết đứng lên đấu tranh chống áp bức bóc lột. Anh gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên vào cuối năm 1928 ở Cửa Ông. Qua nhiều đợt học tập cuốn “Đường cách mạng” của đồng chí Nguyễn

Ái Quốc, Ngô Huy Tăng đã có một cơ sở lý luận tối thiểu để hoạt động. Anh tích cực tuyên truyền, vận động công nhân tham gia đấu tranh chống áp bức, bóc lột.

Tháng 6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Bắc Kỳ. Tháng 9-1929, Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng được thành lập ở khu mỏ Cẩm Phả - Cửa Ông, Ngô Huy Tăng vinh dự là người công nhân đầu tiên ở vùng Mỏ trở thành đảng viên Đảng cộng sản, khi anh vừa bước sang tuổi 18.

Đồng chí Ngô Huy Tăng đã đem hết nhiệt tình của tuổi trẻ, tranh thủ từng giờ, từng phút, gần gũi giúp đỡ mọi người. Đồng chí chuyển sách báo cách mạng của Đảng cho công nhân xem, hoặc đọc cho họ nghe như báo “Búa Liềm”, “Lao động”, tạp chí “Công hội đỏ”, báo “Than”... Qua đó, một số công nhân đã được giác ngộ và được kết nạp vào Công hội đỏ, vào Đảng cộng sản.

Cuối năm 1929, Chi bộ cộng sản Cửa Ông và Cẩm Phả sát nhập làm một, đồng chí Ngô Huy Tăng được giao làm nhiệm vụ giao thông giữa hai cơ sở. Đồng chí đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc.

Ngày 7-11-1929, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, Chi bộ Đảng quyết định rải truyền đơn và treo cờ đỏ búa liềm ở Cầu trục (Poóc- Tích) số 1 tại Xí nghiệp Bến Cửa Ông. Tin tưởng vào sự nhiệt tình, hăng hái và tinh thần giác ngộ cách mạng, ý thức trách nhiệm trong công việc được giao, Chi bộ quyết định giao công việc nguy hiểm này cho Ngô Huy Tăng. Xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, vinh dự và cũng là trách nhiệm của người đảng viên, bằng sự mưu trí và lòng quả cảm, ở nơi đầy nguy hiểm trong sự kiểm soát nghiêm ngặt của kẻ thù, Ngô Huy Tăng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng giao. Vào đêm ngày mùng 6, rạng ngày mùng 7-11-1929, lá cờ đỏ búa liềm tung bay trên đỉnh cầu Poóc- Tích số 1 trước sự kinh ngạc và hoảng sợ của kẻ thù. Lá cờ đỏ búa liềm là minh chứng cho sức mạnh, sự sục sôi của giai cấp công nhân lúc bấy giờ. Lá cờ mở màn cho hàng loạt phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là thắng lợi của cuộc bãi công 12-11­1936 của công nhân vùng Mỏ.

Bọn địch khủng bố, khám xét mọi nơi, cơ sở của Chi bộ Đảng cũng bị lục soát. Một số đảng viên bị lộ, phải tạm thời chuyển vùng hoạt động, đồng chí Ngô Huy Tăng được Chi bộ giao làm nhiệm vụ dẫn đường, đã mưu trí vượt qua nhiều bốt gác của địch, đưa các đồng chí tới nơi an toàn.

Trở lại Cửa Ông, đồng chí Ngô Huy Tăng vẫn hăng say với công tác. Đồng chí đã đi xuống cơ sở, truyền đạt lại mọi chủ trương của Đảng, nơi nào chưa bị địch đánh phá vẫn tiếp tục củng cố và phát triển phong trào. Đồng chí còn gần gũi công nhân, vận động bà con đấu tranh chống lại những việc bất công, phản đối bọn cai xếp đánh đập, ức hiếp công nhân. Trong những ngày Tết, ngày lễ, đồng chí kêu gọi công nhân bãi bỏ lệ lễ lạt cho bọn chủ.

Mặc dù địch tăng cường khủng bố, nhưng đường dây liên lạc giữa Cửa Ông - Cẩm Phả vẫn thông suốt.

Trước ngày kỷ niệm Quốc tế lao động mùng 1-5-1930, một cuộc bãi công đã nổ ra tại nhà sàn Cửa Ông vào ngày 22-4, do đồng chí Hoàng Văn Trành, ủy viên Đặc khu ủy khu Cẩm Phả - Cửa Ông lãnh đạo, anh em công nhân đấu tranh đưa yêu sách đòi chủ không được đánh đập, sa thải, tăng lương giảm giờ làm. Hoảng sợ trước tinh thần đoàn kết đấu tranh của công nhân, bọn chủ buộc phải nhượng bộ, giải quyết một số yêu sách do công nhân đề ra.

Trong cuộc đấu tranh này, đồng chí Ngô Huy Tăng được cử vào ban lãnh đạo đấu tranh, phụ trách giao thông liên lạc giữa Đặc Khu Cẩm Phả - Cửa Ông với khu Xứ ủy Bắc kỳ. Hoạt động của đồng chí không tránh khỏi con mắt dò xét của địch. Bọn địch khủng bố đàn áp, bắt đi nhiều người tham gia bãi công. Trong số đó có đồng chí Ngô Huy Tăng. Mặc dù không đủ bằng chứng để kết án nhưng tòa án Hải Phòng đã kết án đồng chí 5 tháng tù.

Tại nhà giam Hải Phòng, đồng chí bị ghép vào loại tù thường, nên được bọn cai ngục sử dụng vào việc quét dọn xung quanh nhà tù, làm việc vệ sinh phòng giam tù chính trị. Lợi dụng thời cơ thuận lợi này, đồng chí bắt liên lạc với các đồng chí ta ở đây, làm nhiệm vụ liên lạc giữa buồng giam này với buồng giam khác. Đồng chí còn mua giấy, bút mực và các thứ cần thiết đưa vào cho anh em.

Tháng 9-1930, mãn hạn tù, đồng chí Ngô Huy Tăng được điều động về tại Hà Nội, được chỉ định tham gia Thành ủy, phụ trách công tác công vận.

Tháng 11-1930, đồng chí Ngô Huy Tăng cùng một số nhà em rải truyền đơn đốt phá cổng chào ở Hàng Trống Hà Nội để phản đối tên Toàn quyền thực dân Hà Lan ở Nam Dương (Indonesia) sang Hà Nội cùng tên Toàn quyền thực dân Pháp Pát-ki-ê bàn việc lập “Liên minh chống cộng” ở Thái Bình Dương.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trên đường trở về, đồng chí Ngô Huy Tăng bị sa vào tay giặc. Bắt được đồng chí Ngô Huy Tăng, bọn địch dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng đều thất bại trước tinh thần “Sống chết vì Đảng, vì cách mạng” của đồng chí.

Ngày 28-09-1931, tòa Hội đồng đề hình Hà Nội họp để kết án đồng chí 10 năm cấm cố.

Tại phiên tòa, đồng chí Ngô Huy Tăng và các đồng chí khác đã làm cho bọn thực dân cáo già khiếp sợ. Bất chấp mũi súng, lưỡi lê của kẻ thù, đồng chí Ngô Huy Tăng và các đồng chí khác đã hát “Quốc tế ca”, hô vang các khẩu hiệu:

  • Đả đảo tòa án đế quốc!
  • Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!

Thời gian bị giam giữ ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) , đồng chí Ngô Huy Tăng là một trong số anh em kiên quyết đấu tranh chống kẻ thù và những phần tử phản động trong Quốc dân đảng. Đồng chí đã kiên quyết bảo vệ chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin và đã khẳng định rằng: “Chỉ có chủ nghĩa Mác-Lênin mới thực sự giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, ngoài ra không còn con đường nào khác”.

Năm 1932, đồng chí Ngô Huy Tăng bị đầy đi nhà tù Sơn La. Suốt dọc đường, đồng chí đã cùng một số anh em khác tuyên truyền giác ngộ những người lính đi áp giải và rải truyền đơn những nơi đông dân ở. Đồng chí đã có sáng kiến lấy hộp sữa bò ăn hết sữa, rửa sạch cho tài liệu vào rồi gắn lại như cũ, đưa cho anh em cầm đi, địch không tài nào phát hiện được.

Hồi đó, nhà tù Sơn La là một trong những “địa ngục trần gian”, nơi bọn đế quốc dùng giết hại những người tù cộng sản. Chế độ nhà tù rất hà khắc, ăn uống khổ sở, khí hậu khắc nghiệt khiến nhiều anh em tù chính trị mắc những bệnh hiểm nguy như: thương hàn, kiết lỵ, sốt rét ác tính v.v... Trước tình hình đó, đồng chí Ngô Huy Tăng đã cùng một số anh em khác đặt kế hoạch củng cố nơi ăn chỗ ở và ổn định tư tưởng cho anh em. Đồng chí đã đi đến từng người, động viên anh em giữ vững tinh thần, kiên quyết đấu tranh với kẻ thù, giành quyền sống.

Trong công tác, đồng chí Ngô Huy Tăng luôn gương mẫu, hăng hái đi đầu trong mọi cuộc đấu tranh và được anh em mến phục cử vào Ban lãnh đạo nhà tù.

Giữa lúc phong trào đấu tranh trong nhà tù đang phát triển, đồng chí Ngô Huy Tăng bị sốt rét ác tính hành hạ. Bệnh tật ngày càng trầm trọng, mặt khác, chế độ nhà tù lại rất hà khắc nên đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà tù Sơn La. Năm ấy đồng chí Ngô Huy Tăng vừa tròn 21 tuổi.

Tượng đài liệt sĩ Ngô Huy Tăng tại Công ty Tuyển than Cửa Ông

Với những cống hiến to lớn cho cách mạng, hành động anh hùng quả cảm, sự hy sinh anh dũng, kiên cường của Người cộng sản trẻ tuổi, Ngô Huy Tăng mãi mãi là một tấm gương, biểu tượng anh hùng cách mạng, người đảng viên đầu tiên của Nhà sàng Cửa Ông. Nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ công nhân vùng Mỏ, năm 2000, Công ty tuyển than Cửa Ông đã dành hàng chục tỷ đồng để xây dựng tượng đài liệt sỹ Ngô Huy Tăng trên cảng Cửa Ông. Công ty Cầu trục Pooc Tích số 1 cảng Cửa Ông - nơi anh cắm lá cờ đỏ búa liềm năm xưa đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa ngày 7-11-1997. Ngày 26-7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Ngô Huy Tăng.

 

Trích nguồn: Ban Thường vụ Thị ủy Mỹ Hào

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
166 người đang online