10/05/2023 | lượt xem: 4 LÃNH GIANG (?- 1888) Nguyễn Thiện Dương là người đức độ, võ nghệ siêu quần. Dân gian vẫn còn truyền lại câu chuyện hồi còn thiếu niên, ông đi trên đường chợt thấy một con ngựa phi như bay về phía mình, đợi ngựa đến trước mặt, ông xuống tấn, dùng sức hai tay đẩy vào cổ ngựa. Ngựa đang chạy bị bật ngửa về phía sau, hai chân trước chới với. Ông bồi thêm một quả đấm thật mạnh vào bụng ngựa, ngựa mất thăng bằng ngã lộn nhào về phía sau. Ngày 10 tháng 7 năm Quý Mùi (9-8-1883), quân Pháp hạ thành Hải Dương. Triều đình cử Nguyễn Thiện Thuật làm Tổng đốc Hải Yên, đồng thời làm Phó nguyên súy Đạo binh Đông Bắc dưới quyền Tiết chế Bắc Kỳ quân vụ Hoàng Tá Viêm, ông cũng theo anh về giúp việc quân. Trong thời gian này, Nguyễn Thiện Dương đã góp phần quan trọng trong việc huấn luyện quân sĩ, chiêu tập các anh hùng hào kiệt, đưa họ vào con đường cứu nước. Khi triều đình ký với Pháp Hiệp ước Harmand, lệnh cho các quân thứ đang đánh Pháp ở Bắc Kỳ phải lui binh về Kinh đợi chỉ, ông cùng Nguyễn Thiện Kế một lòng ủng hộ Nguyễn Thiện Thuật từ quan để phản đối chỉ dụ bãi binh của vua Tự Đức, đưa quân về Đông Triều, Chí Linh chiêu mộ anh hùng hào kiệt chống Pháp. Năm 1885, thành Lạng Sơn thất thủ, Nguyễn Thiện Thuật phải lánh sang Long Châu (Trung Quốc). Ông cùng anh là Nguyễn Thiện Kế ở lại trong nước, cùng Nguyễn Thiện Kế hô hào nhân dân các phủ, huyện ở tỉnh Hải Dương bất cộng tác với Pháp, lên án bọn vua quan Tự Đức đầu hàng giặc, bán từng phần đất đai của Tổ quốc cho giặc Pháp. Nhờ đó, mặc dù Nguyễn Thiện Thuật không có mặt ở trong nước nhưng phong trào yêu nước chống Pháp do ông phát động từ năm 1883 vẫn như ngọn lửa âm ỉ cháy. Tháng 7 năm1885, Nguyễn Thiện Thuật nhận được tin vua Hàm Nghi xuất bôn, xuống chiếu Cần Vương, trở về nước, đến căn cứ Tiên Động gặp Nguyễn Quang Bích, rồi về vùng giáp ranh ba tỉnh Hải Dương - Hưng Yên - Bắc Ninh chuẩn bị cho việc phục hồi cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy vì Đổng Quế ốm nặng, phong trào đang sa sút. Lãnh Giang đã có mặt trong lễ tế cờ khởi nghĩa ở văn chỉ Bình Dân tháng 9 năm 1885. Ông được phong chức lãnh binh và được Nguyễn Thiện Thuật giao cho phụ trách vùng Đáp Cầu, thị xã Bắc Ninh, phía thượng lưu và hạ lưu sông Cầu và vùng phụ cận. Ông chỉ huy nghĩa quân ở các làng xã mà người chỉ huy, nghĩa quân đều là người địa phương không thoát ly sản xuất, chiến đấu ngay tại quê hương, sống tập trung làm nhiệm vụ tác chiến lưu động suốt một dải từ Văn Giang qua Thuận Thành, Từ Sơn, Tiên Du tới thị xã Bắc Ninh, Đáp Cầu. Đội quân thường trực này làm nhiệm vụ tấn công các đồn bốt, chi viện cho các làng xã bị tấn công. Ngoài nhiệm vụ xây dựng lực lượng và tổ chức tác chiến, ông còn lãnh trách nhiệm bảo vệ con đường bí mật chuyên chở vũ khí từ vùng biển Đông Hưng (Trung Quốc), vùng biên giới đông bắc do Lưu Kỳ mua và vận chuyển về căn cứ Đáp Cầu. Từ đây, vũ khí được phân phối về căn cứ Bãi Sậy và các căn cứ ở Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh. Khoảng cuối năm 1886, đầu năm 1887, nghe tin mẹ ông qua đời. Ông cùng hai anh về chịu tang. Khi hai anh và các tướng lĩnh Bắc Kỳ trở về căn cứ, ông còn ở lại để chặn đánh quân Pháp. Hàng trăm binh lính Pháp kéo theo đến vây kín chung quanh, tưởng như một con chuột không qua lọt. Nghĩa quân tuy ít nhưng có lợi thế ở trên cao, nhìn rõ quân Pháp nên mỗi viên đạn là giết chết một tên. Quân Pháp liền phóng hỏa đốt đồi và thắt chặt vòng vây. Cỏ tranh gặp gió hanh bốc cháy đùng đùng, tưởng như chỉ trong chốc lát là thiêu hủy quả đồi cùng với Lãnh Giang và 20 nghĩa quân. Lãnh Giang tương kế, tựu kế, đốt một bãi lau sậy lớn ở giữa đồi cuối hướng gió cho cỏ tranh trụi hẳn đi một khoảng rộng. Nghĩa quân ẩn núp cả về phía ngược gió. Lửa ở trên đồi cao nhờ có sức gió cháy lan nhanh xuống chân đồi và gặp hỏa bên dưới cháy ở lưng chừng đồi nên không thể lan lên mặt đồi được nữa. Nghĩa quân bò ra chỗ cháy ban đầu, lửa đã tắt ngấm, bắn quân Pháp không sai một phát nào. Quân Pháp chỉ bao vây không dám mạo hiểm leo lên đồi vì lửa cháy và những phát đạn của nghĩa quân bắn trúng đích. Quân Pháp bị thiệt hại nặng nề, trời lại tối, đành khiêng những tên chết và bị thương rút lui. Lãnh Giang đưa quân về căn cứ an toàn. Trong năm 1887, Lãnh Giang hoạt động mạnh mẽ ở vùng bắc và tây Hải Dương, nam Bắc Ninh, bắc Hưng Yên gây cho quân Pháp nhiều tổn thất, quân lính hoang mang không dám càn quét. Tiêu biểu như tháng 1-1887, Lãnh Giang, Đốc Khoát, Đội Văn, Đề Quý phối hợp với nghĩa quân Ba Báo thành một đạo quân lớn tấn công các hạm tàu, xà lúp của quân Pháp vận chuyển quân lính, khí tài, lương thực, thư từ trên sông Luộc. Kết quả, ba chiếc xà lúc trên sông Luộc bị tấn công, tất cả thủy thủ trên một chiếc sợ hãi bỏ trốn, nghĩa quân trèo xuồng ra thu hết vũ khí, quân trang, lương thực, đốt phá xà lúc. Chính kẻ thù cũng phải thừa nhận tài thao lược của ông “Tán Thuật có hai tướng giúp việc là anh em của ông ta là Lãnh Giang và Hai Kế. Hai người này thực sự là những chỉ huy có tài, đã khiến cho cuộc nổi dậy này phải khó khăn và lâu dài mới đàn áp nổi”. Thực dân Pháp và Hoàng Cao Khải nhiều lần đem quân đánh Lãnh Giang, nhưng không đánh được ông mà còn bị tiêu hao lực lượng. Vì thế, chúng tăng cường lính khố xanh, riêng ở Hải Dương đưa lên 800 tên đóng ở các đồn bốt và hợp thành đội Bảo an dân sự bản xứ, rải ra các bốt cố định và bốt lưu động. Công sứ Hải Dương còn rút lính chính quy ở các đồn về lập các đội quân cơ động. Bọn lính này đàn áp nghĩa quân, khủng bố các làng ủng hộ nghĩa quân, giúp quan huyện thu thuế. Để chống lại lực lượng quân sự mới của quân Pháp, Tán Thuật, Lãnh Giang kết hợp với các toán khác hợp thành sức mạnh diệt nhiều đồn bốt Pháp. Điển hình là ngày 6 tháng 10 năm 1887, Lãnh Giang, Đội Văn chỉ huy 300 quân vũ trang bằng 120 súng bắn nhanh đánh nhau dữ dội với lính của Ôbe. Quân Pháp nghe tin Tán Thuật và Lãnh Giang hoạt động ở vùng giáp ranh Hải Dương - Bắc Ninh chiêu mộ quân liền đem quân đến đánh. Lãnh Giang cho quân tản ra tránh xung đột với lực lượng mạnh của quân Pháp, rồi cùng Đốc Lang, Đội Quý luồn về đánh phá các đồn binh Pháp ở huyện Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Quân Pháp phải gấp rút thành lập hai đội quân lưu động để đánh Lãnh Giang. Bọn này vừa đặt chân đến vùng nghĩa quân hoạt động đã bị Lãnh Giang đánh cho thua phải tháo chạy, sau đó nhanh chóng rút đi nơi khác. Khi hai đội quân lưu động rút khỏi huyện Thanh Hà, Lãnh Giang quay trở lại chặn đánh toán dân binh của Toà sứ Hải Dương và của quan huyện Thanh Hà ở làng Cay Nhất. Căn cứ vào các tin tức của trinh sát, Bộ Tham mưu nghĩa quân biết tin địch đang tập trung quân càn quét vào căn cứ Bãi Sậy và các căn cứ khác, Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật quyết định triệu tập các tướng về bàn kế hoạch tác chiến đối phó với quân Pháp. Ngày 9-2-1888, nhận được lệnh của chủ soái, Lãnh Giang cùng 15 nghĩa quân từ Thị Cầu về gấp căn cứ Bãi Sậy. Trời sẩm tối, ông về tới Bần Yên Nhân, thấy quân mệt mỏi, ông vào nghỉ trong ngôi chùa Bần Yên Nhân. Bất chợt toán quân tuần tiễu Pháp do Filippi chỉ huy đồn Ghênh, cùng 15 lính khố đỏ từ Kẻ Sặt về đồn Ghềnh, khi qua Bần Yên Nhân thì phát hiện ra toán của Lãnh Giang liền bao vây tấn công. Bọn Pháp nấp sau những ngôi mộ của người Trung Quốc cao tới 1 mét, rộng 2 - 3 mét và bắn vào trong chùa. Mặc dù có lợi thế công sự bao vây, toán quân Pháp bị quân Lãnh Giang chống trả kịch liệt, làm tiêu hao sinh lực. Trận chiến đấu kéo dài đến 30 phút, quân Pháp đã núng thế. Sau nhờ tiếp viện của hai toán tuần tra khác do 2 viên quản Soler và Sumaran chỉ huy nghe tiếng súng liền tới tiếp viện. Lãng Giang chỉ huy quân sĩ nhiều lần đánh bật quân Pháp ra xa ngôi chùa, nhưng không may, ông lại trúng đạn hy sinh. Nghĩa quân mở đường máu đưa xác ông vào trong làng, được nhân dân giấu trong đống rơm, quân Pháp không tìm ra. Khi quân Pháp rút, nghĩa quân đưa xác ông về Bãi Sậy. Tại đại bản doanh ở căn cứ Bãi Sậy vừa họp được một lúc thì quân canh cửa vào bẩm báo có một toán nghĩa quân khiêng một cái cáng đi vào. Nguyễn Thiện Thuật nhìn thấy viên tùy tướng vẫn đi bảo vệ Lãnh Giang đã đoán ra có việc không lành với em mình. Tuy vậy, ông vẫn nén lòng nghe viên tùy tướng bẩm báo. Đoạn ông lảo đảo bước đến bên cáng mở chiếc chiếu ra thì nhận ra đó là Lãnh Giang, ông thét lên một tiếng gọi tên em rồi ngất đi. Tang lễ Lãnh Giang được cử hành trọng thể tại căn cứ, có đông đủ các tướng lĩnh, nghĩa quân và nhân dân trong vùng đến dự và đội khăn tang. Lửa đốt suốt đêm, sáng rực cả một vùng, quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải ở các đồn chung quanh biết nhưng không dám đem quân đến đánh. Mộ của ông được đắp to trên một khu đất cao tại căn cứ. Nguyễn Thị Tú, vợ Lãnh Giang là một phụ nữ thủy chung như nhất. Bà lấy chồng, rồi ông đi chiến đấu, vợ chồng ít gần gũi nhau, lại chưa có con, nhưng được tin chồng tử trận, bà đã khôn khéo vượt qua các trạm kiểm soát vào căn cứ Bãi Sậy chịu tang chồng. Bà còn trẻ, nhiều người khuyên tái giá, bà vẫn một mực ở lại thờ chồng, nuôi mẹ già đau yếu. Trích nguồn: Ban Thường vụ Thị ủy Mỹ Hào