10/05/2023 | lượt xem: 3 LÊ DUY THÀNH (1433 - ?) Ông sinh ngày 10 tháng Giêng năm Đinh Sửu (1433). Thời điểm này, đất nước đã sạch bóng quân thù, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã kết thúc 10 năm trường kỳ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược, lên ngôi vua năm 1428, đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đặt quốc hiệu là Đại Việt, lấy Đông Kinh làm thủ đô. 5 năm sau chiến tranh, kết quả của việc vua tích cực ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu thập sách vở, mở mang trường học... chính là đất nước dần đi vào ổn định, thịnh trị. Sinh thời, Lê Duy Thành khỏe mạnh, diện mạo phương phi, thông minh tài trí khác hẳn người thường. Chính vì vậy, ông được cha mẹ chăm lo ăn học chu đáo, sớm nổi tiếng là người thông tuệ Nho học. Sau nhiều năm đèn sách chuyên cần với mong muốn đỗ đạt, góp sức giúp đời, Lê Duy Thành đã từng bước đạt mục tiêu. Tên ông lần lượt được xướng lên trong các bảng danh sách thí sinh thi đỗ 4 kỳ thi Hương, rồi thi Hội. Khoa thi Đình (Điện thí) năm Quý Mùi (1463), niên hiệu Quang Thuận thứ tư thời Lê Thánh Tông (1460-1497), vua trực tiếp tới hiên ra đầu bài văn sách hỏi về đạo trị nước của các bậc đế vương. Trong số 44 người được vua chấm đỗ, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ, khi ấy ông vừa tròn 30 tuổi. Khoa thi này lừng danh trong lịch sử khoa bảng Việt Nam với ba vị Tam khôi là Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh và Thám hoa Quách Đình Bảo. Kết quả này là niềm vinh dự lớn lao không chỉ cho ông và gia tộc họ Lê mà cho cả quê hương Nho Lâm, Ngọc Lâm, Mỹ Hào. Nó có giá trị như một mạch nguồn khơi thông, khai khoa cho làng xã, thổi vào vùng đất lâu nay vốn đầm lầy, lau sậy một tinh thần hiếu học, ý chí và khát vọng học hành, thi thư. Ngay sau khi thi đỗ Tiến sỹ, Lê Duy Thành ra làm quan dưới triều nhà Lê. Suốt thời gian làm quan trong giai đoạn thịnh trị nhất của triều Lê sơ cũng như lịch sử phong kiến Việt Nam, ông thường giữ điều cương chính, làm quan thanh liêm, mẫn cán, hết mực trung quân ái quốc, đóng góp nhiều công lao với triều đình và nhân dân, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống lại quân Chiêm. Theo các sách lịch sử, vào năm Hồng Đức thứ nhất (1470), tình hình trong nước đã yên, song song với chiến lược củng cố và phòng thủ mặt bắc, vua Lê Thánh Tông rất quan tâm đến việc củng cố mặt nam Hóa Châu. Nguyên đây là vùng đất Chiêm Động và Cổ Lũy mà vua Chiêm là Ba Đích Lại đã cắt nhượng cho nhà Hồ năm 1402. Nhân việc vua Chiêm là Bàn La Trà Toàn đem hơn 10 vạn quân thủy bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hóa vào tháng 8 năm Canh Dần (1470), nhà vua quyết định mở cuộc Chiêm phạt bằng một đòn tối hậu, nhằm giải quyết tận gốc vấn đề an ninh biên giới phía Nam. Vì vậy, việc chuẩn bị xuất quân cực kỳ chu đáo. Nhà vua thân hành soạn ra “Bình Chiêm sách”, rồi cho phiên ra quốc ngữ (chữ Nôm) để phổ biến rộng rãi trong quân ngũ; vua cũng trực tiếp dẫn quân tiến vào cửa Thị Nại, bao vây kinh đô Trà Bàn, bắt sống được vua Chiêm cùng hơn 50 người trong hoàng tộc và 3 vạn tù binh. Chiến thắng lớn lao này không những khôi phục được 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (thời Hồ), mà còn mở rộng bờ cõi Đại Việt đến tận miền Vijaya (tức tỉnh Bình Định ngày nay), quốc gia Đại Việt có thêm thừa tuyên thứ 13 - thừa tuyên Quảng Nam. Chiến thắng Trà Bàn cũng đặt dấu chấm hết những cuộc đột kích, cướp phá thường xuyên vùng biển phía Nam của Đại Việt; đồng thời tạo thêm không gian của Đại Việt có chiều sâu hơn để đối phó lại sự uy hiếp của người láng giềng khổng lồ phía Bắc. Tuy sử cũ không ghi chép cụ thể công trạng của Lê Duy Thành, song chúng ta có thể khẳng định những đóng góp của ông là không nhỏ, bởi sau khi mất, ông được đưa về an táng tại quê nhà, được nhà vua phong thần và cấp tiền xây miếu để nhân dân thờ phụng. Ghi nhớ tài đức và công ơn của ông đối với đất nước, dân làng, đến thời Nguyễn, triều đình đã cho nhân dân xây đình thờ Thành hoàng Lê Duy Thành. Năm Kỷ Mùi (1919), niên hiệu Khải Định, đình được trùng tu, tôn tạo với kết cấu kiểu chữ Đinh gồm 5 gian 2 dĩ đại bái, kiến trúc chạm khắc tinh xảo. Hàng năm, vào ngày 10 tháng giêng và ngày 10 tháng 9 âm lịch, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến công lao của thần. Hiện nay, đình làng Nho Lâm, xã Ngọc Lâm vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá, tiêu biểu là cuốn thần tích và các đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn về Thành hoàng Lê Duy Thành. Trích nguồn: Ban Thường vụ Thị ủy Mỹ Hào