13/05/2023 | lượt xem: 2 NGUYỄN SƠN TĂNG (Thế kỷ XVI) Nguyễn Sơn Tăng sinh ra sau thời điểm miền Bắc vừa trải qua cơn đao binh loạn lạc, các đời vua kế tiếp từ Lê Uy Mục, Lê Tương Dự, tới Lê Chiêu Tông đều chơi bời vô độ, xây dựng liên miên, dân nghèo thất nghiệp, trộm cướp nổi lên, nhiều nơi dấy binh làm loạn, dẫn tới sự suy vong của nhà Lê Sơ. Năm 1527, dưới sức ép của An Hưng vương Mạc Đăng Dung, vua Lê Cung Hoàng buộc phải xuống chiếu nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung, chấm dứt 100 năm trị vì của nhà Lê. Sau 3 năm ở ngôi, giữ yên tình hình đất nước, năm 1530, Mạc Đăng Doanh lên nối ngôi vua cha. Tuy không có được những chiến công đánh dẹp hiển hách như Mạc Thái Tổ nhưng Mạc Thái Tông đã mang lại cuộc sống no ấm, yên ổn cho nhân dân Đại Việt, nhất là vùng Bắc Bộ sau nhiều năm loạn lạc, binh lửa cuối thời Lê Sơ - đây cũng là thời đại hoàng kim của nhà Mạc. Sách “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn còn ghi lại: “trong vài năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm lại”; còn sách “Đại Việt Sử ký Toàn thư” ghi nhận “liên tiếp trong mấy năm được mùa, nhân dân được no đủ, trong nước được yên ổn. Đêm ngủ không cần đóng cửa, ngoài đường không nhặt của rơi”. Để xây dựng và củng cố thể chế chính quyền, nhà Mạc đã theo phép cũ của nhà Lê thi hành chính sách tranh thủ nho sĩ, vốn đã trở thành một tầng lớp đông đảo và có uy thế trong xã hội thời Lê. Cùng với việc chấn hưng kinh tế, vua Mạc đã chú ý đào tạo cho vương triều mình một đội ngũ quan lại thông qua giáo dục thi cử. Triều đình mở các khoa thi đều đặn 3 năm một lần và chọn được nhiều nhân tài. Mặc dù được giáo dục tư tưởng trung quân sâu sắc, nhưng trong tầng lớp sĩ phu đã diễn ra sự phân hóa mạnh mẽ, một phần trốn chạy, ở ẩn hoặc tìm cách chống đối triều Mạc, quyết trung thành với nhà Lê, một phần lớn dần dần dao động, bị thu phục nhân tâm trước các chính sách và thành tựu của nhà Mạc. Các sĩ tử có tài lại một lòng hồ hởi lai kinh ứng thí, xuất thế giúp đời. Hòa trong khí thế của cuộc sống thái bình thịnh trị đó, sĩ tử Nguyễn Sơn Tăng không ngại vất vả sôi kinh nấu sử, đêm ngày học tập để thỏa ước lưu tên tuổi trên bảng vàng, bia đá. Tại kỳ Hội thí khoa Ất Mùi niên hiệu Đại Chính 6 (1535) đời Mạc Đăng Doanh (1500?-1540), trong số 32 tiến sỹ được vua chấm đỗ, ông đậu Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp), trạng nguyên khóa thi này chính là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sau khi đỗ đạt, ông được trọng dụng và bổ nhiệm làm quan đến chức Đô cấp sự trung. Trích nguồn: Ban Thường vụ Thị ủy Mỹ Hào