19/04/2023 | lượt xem: 3 NGUYỄN THIỆN THUẬT (1844 - 1926) Theo gia phả của dòng họ Nguyễn thì Nguyễn Thiện Thuật vốn là hậu duệ đời thứ 30 của Nguyễn Trãi. Cha ông là Nguyễn Tuy, hiệu Quảng Phường, đỗ tú tài năm 1842, làm nghề dạy học. Mẹ ông họ Phạm, người làng Dị Sử (nay thuộc phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào). Gia đình ông có 6 người con: 2 gái, 4 trai. Nguyễn Thiện Thuật là anh cả, trừ người em mất sớm, còn 3 anh em. Em trai ông là Nguyễn Thiện Dương và Nguyễn Thiện Kế sau này cũng đều tham gia khởi nghĩa Bãi Sậy do ông lãnh đạo. Về gia đình riêng, Nguyễn Thiện Thuật có 2 vợ (bà chính thất là Nguyễn Thị Tuân, bà thứ là Trần Thị Thuần Tĩnh). Hai con trai ông là Nguyễn Tuyển Chi, Nguyễn Thạc Chi (Nguyễn Trọng Thường); hai con gái, trong đó có một người là nguyễn Thị Trúc. Vốn thông minh, hiếu học nên ngay từ rất sớm, tài văn võ của ông đã nổi tiếng khắp trong làng ngoài huyện. Năm canh Ngọ (1870) Nguyễn Thuật đậu thủ khoa Tú tài, được bổ giúp việc quân tại Hải Dương. Chính tại đây, tài năng quân sự của ông được bộ lộ. Khi được giao đi dẹp giặc Tiên Viên, để biết tình hình quân địch, ông cho quân vào đồn trinh sát. Khi trở ra, lính trinh sát của ông đụng quân tuần tiễu của giặc, hai bên bắn nhau, quân của Nguyễn Thiện Thuật giết chết và bắt sống một số tên rồi rút. Vì đã mất yếu tố bất ngờ, Nguyễn Thiện Thuật chuyển sang cách đánh khác. Ông cho quân bao vây triệt đường tiếp lương của giặc rồi tổ chức mai phục. Hết lương, giặc vào chợ cướp bị quân mai phục của ông để ra đánh rồi thừa thắng tấn công vào đồn binh. Tướng giặc bị giết, quân gặc tan, Nguyễn Thuật được triều đình thưởng Quân công bội tinh và được cử làm Bang biện phủ Kinh Môn. Vừa làm việc quan, vừa tự học, kho thi Bính Tý (1876), Nguyễn Thuật dự kỳ thi Hội (trường thi Nam Định), đỗ thủ khoa. Năm 1877, Cử nhân Nguyễn Thuật được bổ làm Tri phủ Từ Sơn (Bắc Ninh). Ông làm quan thanh liêm, công minh, có tài cai trị, được nhân dân kính phục. Vì trong triều cũng có một vị quan tên là nguyễn Thuật, ông làm sớ xin nhà vua cho đệm chữ Thiện. Được vua ưng thuận, ông cùng các em của mình cùng đệm chữ Thiện vào tên họ. Tháng 8 năm 1879, Nguyễn Thiện Thuật được thăng chức Tán tương quân thứ. Hai năm sau, ông được thăng làm Sơn phòng chánh sứ, kiêm tán tương quân thứ Sơn Tây. Vì vậy, đương thời gọi ông là Tán Thuật hoặc Tán Đông. Thời gian này, ông cùng Thống đốc Hoàng Tá Viêm thu phục 16 châu từ Bắc Giang đến Sơn La, bình được Ba Bể, lập nhiều công to. Các em ông đều là người có tài và cũng theo việc quân, như: Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Hiển. Ngày 9/8/1883, thực dân Pháp hạ thành Hải Dương, triều đình cử Nguyễn Thiện Thuật về làm Tổng đốc Hải Yên, đồng thời làm Phó Nguyên súy đạo binh Đông Bắc cho Thống đốc Hoàng Tá Viêm. Ngày 25- 8 - 1883, triều đình nhà Nguyễn ký với Pháp Hiệp ước Harmand, lệnh cho các quân thứ Bắc Kỳ “Phải lập tức triệt binh rút lui để tỏ điều tin đối với nước đại Pháp”, đòi “quan lại đang đánh Pháp ở Bắc Kỳ về kinh đợi chỉ”. Không chấp nhận thái độ đớn hèn, dâng nước ta cho giặc, Nguyễn Thiện Thuật hai lần kháng chỉ. Lần thứ nhất, ông bỏ chức Tổng đốc Hải Yên về Đông Triều, chiêu mộ nghĩa quân cùng với Lưu vĩnh Phúc chống Pháp. Trong thời gian này ông thường liên lạc với Đinh Gia Quế, lãnh tụ của nghĩa quân Bãi Sậy, phát triển lực lượng nghĩa quân ở vùng đồng bằng. Ngày 12- 11- 1983, nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật tấn công tỉnh lỵ Hải Dương bao vây địch, nhưng lực lượng còn non yếu, ông phải cho lui quân. Sau sự kiện này, Nguyễn Thiện Thuật phối hợp với quân của Lưu Kỳ, Tạ Hiện, Nguyễn cao, Hoàng Văn Hòe chỉ huy tấn công quân Pháp đang chiếm đóng Phả Lại. Phả Lại lọt vào tay quân Pháp, ông đưa quân lên tham gia giữ thành Bắc Ninh, thành Hưng Hóa. Khi Tự Đức ra lệnh bãi binh ở Bắc Kỳ và đòi các quan lại phải về kinh đợi chỉ, nguyễn Thiện Thuật lần thứ hai kháng chỉ. Ông mang quân lên Hưng Hóa (Tuyên Quang) cùng với Nguyễn Quang Bích giữ thành. Tháng 3 năm 1884, thành Hưng Hóa thất thủ, một số tướng lĩnh về kinh, ông cùng với các tướng lĩnh khác vẫn cương quyết ở lại chống Pháp, tạo ra nhiều trận đánh làm khiếp đảm quân thù, nức lòng quân dân kháng chiến khắp các vùng Hải Dương, Bắc Ninh, phủ Lạng Thương, Lạng Sơn, nổi bật là trận phục kích quân Pháp ở cầu Quan Âm (Bắc Lệ - Lạng Sơn). Tháng 3 năm 1885, quân Pháp huy động tổng lực đánh phá Lạng Sơn, Nguyễn thiện Thuật và các cánh quân khác thế yếu phải rút vào rừng. Bị quân Pháp truy kích gắt gao, Nguyễn Thiện Thuật giao cho Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Dương trở về Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Yên tập hợp lực lượng; cử Đề Vinh ở lại Lạng Sơn giữ mối liên lạc với ông, còn ông tạm lánh sang Long Châu (Trung Quốc). Tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương. Nguyễn Thiện Thuật trở về nước liên lạc với các lực lượng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Vua Hàm Nghi phong cho ông là Bắc kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần gia chấn trung tướng quân, nên nhân dân còn gọi ông là quan Hiệp thống. Lúc này, ông nhận được tin Đinh Gia Quế lâm bệnh nặng và căn cứ Bãi Sậy bị quân Pháp và quân Nam triều do Hoàng Cao Khải chỉ huy liên tục đánh phá. Ông liền mời Cử nhân Ngô Quang Huy ở xã An Lạc, tổng Thái Lạc, huyện Văn Giang và Cử nhân Nguyễn Hữu Đức ở làng Mễ Xá, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên đến bàn bạc. Ba vị thống nhất khôi phục phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy và phát triển lực lượng mới. Các tướng lĩnh tài giỏi theo về ngày một đông. Dưới quyền của Nguyễn Thiện Thuật có các tướng lĩnh chỉ huy các đội nghĩa quân hoạt động phối hợp trên nhiều địa bàn khác nhau, như: Nguyễn Thiện Kế và nguyễn Thiện Giang ở vùng Mỹ Hào; Phan Văn Khoát, Ba Điều ở vùng Vĩnh Bảo; Đốc Tít, tuần Ăn ở vùng Hai Sông (Kinh Môn). Với tầm nhìn chiến lược của một nhà quân sự, Nguyễn Thiện Thuật đã tiếp tục mở rộng khu căn cứ Bãi Sậy ra hầu khắp các phủ, huyện của tình Hưng Yên và Hải Dương, bao gồm Khoái Châu, Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào, Yên Mỹ…. nghĩa quân Bãi Sậy của nguyễn Thiện Thuật đã áp dụng chiến thuật du kích, dựa vào sự ủng hộ của dân chúng, lúc ẩn lúc hiện, đánh úp đồn trại Pháp trên đường Hà Nội - Hưng Yên- Hải Dương, hay dựa địa thế sình lầy, lau sậy um tùm dễ tiến thoái của căn cứ để chống Pháp càn quét vào Bãi Sậy. Ngoài ra, ông còn phái các đội vũ trang tuyên truyền đi dán các bản tuyên cáo ở khắp các thôn xóm, kêu gọi quan chức Việt Nam theo Pháp lập công trở về với hàng ngũ kháng chiến. Phong trào Cần Vương trên vùng đất Bãi Sậy nhanh chóng phát triển về mọi mặt, trở thành một trong những trung tâm chống Pháp lớn nhất vào cuối thế kỷ XĨ ở Bắc Kỳ. Khởi nghĩa Bãi Sậy bùng nổ vào tháng 9 năm 1885. Từ căn cứ Bãi Sậy, nghĩa quân đẩy mạnh hoạt động ra vùng đồng bằng, vượt sông Hồng sang đánh phá các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa và khống chế những tuyến giao thông chính: đường số 5 (Hà Nội - Hải Phòng), đường số 1 (đoạn Hà Nội - Nam Định), đường Hà Nội - Bắc Ninh và các tuyến đường thủy trên sông Thái Bình, sông Đuống, sông Hồng… Đêm ngày 28 rạng ngày 29- 9- 1885, Nguyễn Thiện Thuật trực tiếp chỉ huy nghĩa quân tấn công chiếm lại thành Hải Dương, rồi tỏa ra đóng giữ các làng xung quanh. Nhưng do lực lượng quá yếu, nên sau đó nghĩa quân phải rút lui. Tháng 10 năm 1885, Thống đốc Roussel de Courcy giao cho thiếu tướng Francois de Négrier, trung tá Donnier cùng Hoàng Cao Khải mở cuộc tấn công càn quét lớn vào căn cứ Bãi Sậy. Được tin, Nguyễn Thiện Thuật lệnh cho các tướng bí mật tấn công vào các đồn địch, chặn đường hàng không của chúng. Sau đó, ông nhử địch vào sâu căn cứ nơi đặt trận địa mai phục. Khi quân Pháp biết bị mắc lừa định rút lui thì quân Bãi Sậy nổ súng và dùng đoản đao, mã tấu đánh giáp lá cà. Nhiều quân Pháp bị giết, tướng Négrier chạy thoát. Tại căn cứ Hai sông, vào tháng 11 năm 1885, trong suốt 2 tuần, nghĩa quân đã phải chống trả quyết liệt với một binh đoàn lớn do Falcon và Faure chỉ huy. Ngoài hoạt động chống càn quét, nghĩa quân còn tổ chức nhiều trận tập kích hiệu quả. Ngày 26- 6- 1886, nghĩa quân tấn công một đồn Pháp ở Cầu Đuống. Tháng 9 năm 1886, nghĩa quân chặn đánh binh đoàn Bazinet và tấn công đồng Bần Yên Phú, đâyy mạnh các hoạt động ra các miền phụ cận Hà Nội, Bắc Ninh. Ngày 12- 2 - 1887, một trận đánh lớn đã diễn ra ở vùng Kẻ Sặt (Hải Dương). Từ cuối năm 1888 đến đầu năm 1889, nghĩa quân còn tổ chức đánh thắng quân Pháp nhiều trận, như các trận ở Lương Tài (Bắc Ninh), Dương Hòa (Hưng Yên). Ngày 9-2-1888, em trai Nguyễn Thiện Thuật là Nguyễn Thiện Dương bị tử trận trong cuộc đụng độ với quân Pháp do viên đội Fillipe chỉ huy. Được tin e chết, ngay đêm đó Nguyễn Thiện Thuật lệnh cho Tuần Văn, Đề Tính tấn công đồn Ghênh và đồn Bần Yên Nhân để trả thù, giết chết 21 tên địch. Ngày 11- 11- 1888, Hoàng Cao Khải cùng giám binh Ney chỉ huy đồn Mỹ Hào đưa lính về gặt lúa ở Liêu Trung , tổng Liêu Xá, muốn buộc dân hết lương phải ra đầu thú, xa rời quân Bãi Sậy. Nguyễn Thiện Thuật được tin, lệnh cho các tướng Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Văn Sung, Vũ Văn Đồng đem 800 quân trong đó có 400 tay súng giả dạng phu gặt để phục kích. Quân Bãi Sậy nổ súng giết chết 31tên địch, trong đó có giám binh Ney, bang tá Nguyễn Hữu Hào. Hoàng Cao Khải trốn thoát về Mỹ Hào rồi nhờ giáo dân Kẻ sặt đưa đường chạy về Hải Dương. Trong tháng 6 năm 1889, quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải mở nhiều chiến dịch lớn tấn công vào các căn cứ của nghĩa quân ở Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Phúc Yên, Lục Ngạn. Nghĩa quân đánh bại nhiều cuộc tấn công của địch gây cho chúng tổn thất nặng nề. Song nghĩa quân cũng bị tiêu hao lực lượng, một số thủ lĩnh xuất sắc hy sinh, trong đó có Hồng Lô tự khanh Tán Lý quân vụ Ngô Quang Huy. Cũng thời gian này, thống sứ Bắc Kỳ là Briere ra sắc lệnh thành lập “Binh đoàn Cảnh sát” do Hoàng Cao Khải khi đó được Đồng Khánh thăng chức Khâm sai Bắc Kỳ làm Tư lệnh trưởng Musller với danh nghĩa Ủy viên chính phủ, binh đoàn có cả tòa án quân sự để xét xử “những vụ án phản loạn”. Binh đoàn có 1.000 dân vệ, 500 lính cơ do các cai đội Pháp chỉ huy. Việt gian Hoàng Cao Khải mượn danh Đồng Khánh dụ dỗ mua chuộc Nguyễn Thiện Thuật ra hàng và hứa khôi phục chức tước. Ông đã viết vào tờ sớ dụ này 4 chữ “Bất khẳng thụ chỉ” (Không chịu nhận chỉ). Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1889, quân Pháp đem 4 đạo quân lớn đánh phá căn cứ Hai Sông ở Thủy Nguyên, tỉnh Quảng Yên (sau cắt về Hải Phòng). Đốc Tít cầm cự được từ ngày 8-6-1889 đến ngày 12- 8 - 1889 thì phải giải tán nghĩa quân rồi ra hàng. Pháp đày ông đi Algéri. Ngày 17 - 9 - 1889, Đội Văn đưa 200 quân, 100 súng bắn nhanh lên Yên Thế phối hợp với Đề Nắm đánh Pháp. Cuối tháng 10 năm 1889, Đội Văn bị ốm nặng rồi lọt vào tay bọn công giáo phản động. Chúng bắt ông nộp cho Pháp. Ngày 17 - 11 - 1889, chúng xử chém ông ở Hà nội. Lưu Kỳ cũng bị quân Pháp đánh bật khỏi Lục Ngạn. quân Pháp tập trung 3 binh đoàn do thiếu tướng Négrier, trung tá Godard, Hoàng Cao Khải chỉ huy có công binh, pháo binh, hạm tàu yểm trợ tấn công căn cứ Bãi Sậy. Nguyễn Thiện Thuật đang ốm vẫn cùng các tướng chỉ huy nghĩa quân đánh bật nhiều đợt tấn công của quân Pháp. Tên quản Legllere bị giết chết, quản Aubert bị trọng thương. Quân Pháp tháo chạy, quân ta thừa thắng truy kích. Nhưng quân Pháp lại được tăng viện, đánh mạnh về phía sau khiến nghĩa quân bị kẹp giữa hai luồng đạn, phải mở đường máu rút quân, song nghĩa quân cũng bị tổn thất nặng nề. Kẻ địch còng thắt chặt vòng vây, tăng cường truy quét và khủng bố nhân dân trong vùng nhằm cắt đứt mối liên hệ giữa nghĩa quân và nhân dân. Trước tình hình khó khăn đó, giữa năm 1889, Nguyễn Thiện Thuật giao lại quyền chỉ huy cho em và các tướng lĩnh, ông cùng một số tướng lĩnh khác vượt vòng vây đến căn cứ Hai Sông. Tại đây, Đốc Tít đã tổ chức đưa Nguyễn Thiện Thuật lánh sang Trung Quốc tìm gặp Tôn Thất Thuyết mưu tính một cuộc vận động mới. Song tình thế đã khác trước, việc không thành, ông đành ở lại nhà tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc. Nơi ông ở cũng là nơi các nhà yêu nước Phan Bội Chấu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hàm, Mai Lão Bang… Đông du sang nhật dừng chân và lập hội Duy Tân, hội họp tại đó. Suốt cuộc đời còn lại ở Trung Quốc, Nguyễn Thiện Thuật thường liên lạc với Tôn Thất Thuyết và một số chiến hữu, trong đó có Nguyễn Trọng Thường. Khi nguyễn Trọng Thường bị bắt đày đi Côn Đảo, ông lại cùng Kỳ ngoại hầu Cường Để và Phan Bội Châu sang Đông Kinh thành lập “Việt Nam Duy Tân phục quốc hội” với mục đích tìm cách giải phóng dân tộc, mở mang dân trí, tạo điều kiện đưa học sinh Việt Nam ra hải ngoại du học. Tháng 2 năm 1908, Nguyễn Thiện Thuật cùng Phan Bội Châu, Nguyễn Hàm in và phát hành “ Chương trình hội Duy Tân” và cuốn “Việt Nam vong quốc sử” do Phan Bội Châu sáng tác gửi về nước. Ông còn cử nhiều người thân tín khác liên lạc về nước thu nạp các chiến hữu, tổ chức “Việt Nam cách mạng Quang phục quân” để giải phóng đất nước. Nguyễn Thiện Thuật còn là nhà thơ, Ông để lại nhiều tác phẩm như “Cảm tác”, “Đề đền Yên Mô”, “Đề đền Trần Hưng Đạo”, “Vịnh bảnh trôi”, “Á tế Á ca”, “Gửi bạn trong nước”... Hậu thế đặc biệt nhắc đến bài “Điếu Nguyễn Tri Phương tử tiết” như một nỗi niềm, tuyên ngôn thể hiện khí tiết, nhân sinh quan của ông: “Thiên đường hữu lộ thăng quân tử, Đế khuyết vô do kiến lão thành. Dịch nghĩa: “Trên trời có lối đưa người quân tử lên, Cửa vua không còn được thấy bậc lão thành nữa” Nguyễn Thiện Thuật mất ngày 26 tháng 5 năm 1926 (tức ngày 15 tháng 4 âm lịch) thọ 82 tuổi trên đường ông đi Khâm Châu và Nam Ninh. Phần mộ của ông được đặt trên quả đồi thuộc hương Quan Kiều, ngoại vi thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Bia mộ khắc dòng chữ “Việt Nam cách mạng. Cố tướng quân Nguyễn Công Thiện Thuật - chi mộ” Hiện nay, ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, trên đỉnh núi Vạn Hoa Cương còn có di tích ngôi mộ Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật. Trên tấm bia đá có dòng chữ: “Việt Nam cố tướng quân Nguyễn Công Thiện Thuật chi mộ”. Vào năm 1990, Việt kiều ở Trung Quốc đã di chuyển phần mộ Nguyễn Thiện Thuật từ đồi hương Quan Kiều về đồi hương Đại Lĩnh, phía nam thành phố Nam Ninh. Ngày 30/1/2005, tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với địa phương và dòng họ của lãnh tụ khởi nghĩa Bãi Sậy Nguyễn Thiện Thuật, đưa hài cốt của ông về an táng tại quê hương Xuân Dục, huyện Mỹ Hào. (Nơi đặt lăng mộ là quê hương của ông và cũng là nơi đặt bản doanh của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy). Cũng trong năm 2005, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng nhà bia tưởng niệm Nguyễn Thiện Thuật trong khu di tích lăng mộ của ông gần với cây đề cổ thụ, vọng gác tiền tiêu của nghĩa quân Bãi Sậy năm xưa, với diện tích 1.621,9 m2, gồm nhiều hạng mục: cổng, nhà tưởng niệm, nhà bia, phần mộ của Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật và bức tường phù điêu. Với những giá trị và ý nghĩa lịch sử, Khu lưu niệm Nguyễn Thiện Thuật đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 3077/QĐ - BVHTTDL ngày 27/10/2020. Ngày 7/6/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1281/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Khu di tích Nguyễn Thiện Thuật, Ủy ban nhân dân thị xã Mỹ Hào làm chủ đầu tư. Trong khuôn viên rộng trên 11 nghìn m2 với tổng mức đầu tư gần 45 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục như đền thờ, bình phong, nghi môn, nhà bia, lăng mộ, phù điêu và các hạng mục phụ trợ đồng bộ, hòa hợp với không gian cảnh quan làng quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Tượng Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật có chiều cao 2,12m, trọng lượng 2,5 tấn; Chuông đồng có chiều cao 1,4m, trọng lượng 350Kg. Qua gần 2 năm thực hiện, Khu lưu niệm đã được hoàn thành với các hạng mục công trình đồng bộ, khang trang. Ngày 29/3/2023, tại thôn Xuân Nhân, xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Mỹ Hào trọng thể tổ chức Lễ đón Bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia và khánh thành Khu lưu niệm Nguyễn Thiện Thuật. Ban Thường vụ Thị ủy