22/04/2023 | lượt xem: 3 PHẠM HỮU NĂNG ' (1563-?) Năm 30 tuổi, ông thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Ninh 2 (1592) đời Mạc Mậu Hợp. Khoa này chỉ lấy đỗ 17 Tiến sỹ, trong đó có 4 Hoàng giáp. Tiếc thay, ông thi đỗ vào thời nhà Mạc đã mạt vận. Sau thời gian thịnh trị ngắn ngủi của vua Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh, đến thời Mạc Mậu Hợp thì cơ nghiệp nhà Mạc ngày càng lụi bại bởi vua siêng chơi bời hơn là năng chính sự. Vị vua nhà Mạc này trong những năm cuối đời, được Đại Việt sử ký tục biên nhận xét là: “Ngày càng buông tuồng du đãng, tửu sắc bừa bãi”. Còn Đại Việt thông sử thì bình: “Ngoài thì họ ngoại chuyên chính, trong thì hoạn quan chuyên quyền”. Kết cục là đến cuối năm Nhâm Thìn (1592), năm Phạm Hữu Năng thi đỗ Hoàng giáp, quân Mạc bị quân Lê - Trịnh đuổi đánh, Mạc Mậu Hợp phải chạy khỏi kinh thành, để rồi sau đó đối mặt với đao phủ nhà Lê nơi pháp trường. Nhà Mạc kết thúc vai trò trị vì nhà nước phong kiến Việt Nam ở miền Bắc sau 65 năm, hậu duệ nhà Mạc một bộ phận chạy lên Cao Bằng. Sau gần 50 năm nội chiến Nam - Bắc Triều với gần 40 trận đánh lớn nhỏ, hàng vạn dân lành bị bắt vào lính, phục vụ cho các cuộc tàn sát khủng khiếp, cuối cùng, nhà Lê với sự phò tá của Trịnh Tùng đã chính thức giành lại ngôi báu, chiếm lại được kinh thành. Tháng 2 năm 1593, Lê Thế Tông về kinh đô Đông Đô, nhưng cũng lại từ đây mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ “vua Lê chúa Trịnh”. Người làm sĩ tử như Phạm Hữu Năng, để góp sức giúp đời, chỉ đành theo về nhà Lê, làm quan đến chức Hiến sát sứ. Trích nguồn: Ban Thường vụ Thị ủy Mỹ Hào