17/05/2023 | lượt xem: 3 PHẠM VĂN THỤ (1866 - 1930) Ông sinh ngày 18 tháng 5 năm Bính Dần (tức ngày 30-6-1866) trong một gia đình nhà nho nghèo ở quê hương văn hiến thi thư của nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng được ví ngang với làng Hành Thiện ở tỉnh Nam Định trong câu ngạn ngữ “Đông Bạch Sam, Nam Hành Thiện”. Trên vùng đất Bạch Sam này, dòng họ Phạm của ông với ít nhất 5 đời có truyền thống văn hiến thi thư, luôn lấy nghề đọc sách là điều cao quý và nghề dạy học là chức phận thiêng liêng. Không chỉ vậy, Bạch Sam còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động yêu nước đấu tranh chống thực dân Pháp, nơi giáp ranh với Xuân Dục - quê hương, căn cứ của cụ Tán Thuật và cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Những mạch nguồn, linh khí này đã ảnh hưởng quan trọng tới cuộc đời và nhân cách của Phạm Văn Thụ. Thuở nhỏ, Phạm Văn Thụ nổi tiếng thông minh, học giỏi, được cha là cụ Phạm Xuân Đồng, từng đỗ nhị trường, được dân gian phong là một trong Đường Hào tứ kiệt (gồm 4 vị: Ngâm, Nhân, Đồng, Trạch) khai tâm, dạy chữ và rèn luyện chí khí “Dù nếm mật nằm gai cũng phải chăm học, kỳ cho trả được cái thù đèn sách”. Lớn lên, ông không chỉ chăm học mà còn biết tìm đến những bậc danh sư đương thời để thụ giáo. Từ Bạch Sam, Mỹ Hào ở tỉnh Đông (Hải Dương), Phạm Văn Thụ đã biết tìm đường sang tận Thành Nam (Nam Định) để đọc sách và học hành ở thư viện Hy Long do cụ Đặng Xuân Bảng, thân sinh của nhà hoạt động cách mạng Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) sáng lập; lại sang theo học ở ngôi trường Huê Cầu nổi tiếng của cụ Đốc Tô (tức Đốc học Phó bảng Tô Huân), bậc tiền bối của Liệt sỹ Tô Hiệu sau này. Với khí chất và sự nỗ lực không ngừng như vậy, năm 20 tuổi, Phạm Văn Thụ lấy tên làng là Phạm Văn Viên tham dự kỳ ân khoa thi hương năm Bính Tuất (1886), niên hiệu Đồng Khánh thứ nhất (1886 - 1888), đỗ tú tài. Trong thời gian này, phong trào Cần Vương đang lan rộng, Phạm Văn Thụ may mắn gặp được thủ lĩnh quân nghĩa Bãi Sậy Nguyễn Thiện Thuật. Khi nghe cậu tú trẻ hỏi về hướng lập thân, Tán Thuật khuyên rằng “Đã học thì phải thi, đã thi thì phải đỗ, đã đỗ thì phải làm quan, mà làm quan không phải để vinh thân phì gia mà phải vì dân”. Vì vậy, ông càng lập chí thi đỗ làm quan để chăm lo cho dân đỡ khổ, đó cũng là cách kẻ sĩ giúp dân, giúp nước. Khoa thi hương năm Tân Mão (1891), niên hiệu Thành Thái thứ ba (1889-1907), triều Nguyễn Bửu Lân (1889-1907), tại trường thi Nam Định, ông cải tên là Phạm Văn Thụ, thi đỗ Cử nhân. Ngay năm sau, năm Nhâm Thìn (1892) ở kỳ thi Hội tại kinh thành Huế, ông đỗ Phó bảng, cùng khoa với Nguyễn Thượng Hiền và được hậu bổ làm tri huyện Thư Trì. Năm 1894, Phạm Văn Thụ được bổ sang làm tri huyện Thần Khê - Thái Bình. Ngay từ ngày đầu ra làm quan, ông đã thực hiện nghiêm túc lời dạy của Nguyễn Thiện Thuật, dốc sức làm những việc có ích cho dân. Khi đang làm quan ở phủ Kiến Xương trong hai năm từ 1897-1899, nhận thấy huyện Tiên Hưng nghèo nhất tỉnh Thái Bình, ông đã xin sang làm quan ở huyện này để cải thiện đời sống cho người dân. Năm 1910, Phạm Văn Thụ được bổ làm Tuần phủ Phúc Yên. Tại đây, ông đã vận động các quan lại khác ủng hộ việc cải tiến: cách ăn mặc, họp hành chào tết nên vận áo chẽn xanh và bỏ lối mặc lụng thụng, cầu kỳ đi. Vừa nhậm chức chưa được bao lâu thì xảy ra vụ vỡ đê An Hội, ông đã xuất tiền nhà ứng trước để mộ phu từ Thái Bình. Vì đã quen việc giữ đê nên ông cắt đặt công việc đâu vào đấy ngay trước mặt quan trên khiến mọi người đều khâm phục khi thấy đê được giữ chắc chắn ... Ông còn trình bày theo địa đồ, hiểu tường tận chỗ nào không nên ngăn nước, chỗ nào có thể làm được. Cũng nhân dịp này, Phạm Văn Thụ đã xin xá thuế cho tỉnh Phúc Yên. Việc làm khi ấy của Phạm Văn Thụ khi đó được nhiều lần đề nghị tặng thưởng, nhưng ông từ chối vì cho rằng: “Đó chỉ là làm đủ bổn phận thôi, không đáng lấy thưởng”. Từ năm 1913 đến năm 1920 ông đã một lần làm quan tuần phủ và hai lần làm Tổng đốc ở ba nơi là Thái Bình, Bắc Ninh và Nam Định. Cuối năm 1922, Phạm Văn Thụ đã nhiều lần vào kinh đệ đơn xin về hưu sớm và thậm chí là thảo một bức sớ xin từ chối nhậm chức nhưng đều bị triều đình bác bỏ. Ông đành lưu lại Huế một thời gian dưới triều vua Khải Định, rồi vua Bảo Đại, làm công việc Thượng thư bộ Hộ, sắp đặt các công việc tu sửa cung điện, di tích, bảo tồn các bảo vật hoàng cung, tinh giản nghi thức trong triều... Cuối đời, Phó bảng Phạm Văn Thụ được vua Bảo Đại phong “Nam tước - Thượng thư Cơ mật viện đại thần”, hàm vị “Thái tử thiếu bảo, Đông các đại học sĩ”. Gần 40 năm làm quan Tri huyện ở nhiều huyện trong tỉnh Thái Bình, rồi làm Tri phủ Kiến Xương, sau lên án sát Thái Bình, tiếp đó là Tuần phủ Phúc Yên, rồi Tổng đốc các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Phó bảng Phạm Văn Thụ luôn dốc lòng chăm lo đời sống dân chúng, nêu gương thanh liêm, cần kiệm, ở đâu cũng được dân trọng vọng. Khi giải quyết việc, bao giờ ông cũng hỏi ý kiến thân, hào, quốc, lão trong vùng. Ngoài ra, ông còn lập toà Hội đồng để xét thưởng phạt phân minh. Việc làm của ông rất được sự đồng tình của nhân dân. Ông đôn đốc các làng xã gia cố đê kè phòng lụt, những kỳ đê vỡ thì ngày đêm chỉ huy tráng đinh hàn khẩu. Lúc nông nhàn thì huy động dân chúng và xin thêm tiền gạo cho dân đào mương, bắc cầu, xây cống, làm đường. Ông úy lạo nhà nông chăm chỉ nghề nông tang. Ông mở mang trường học, cả trường chữ Hán lẫn chữ quốc ngữ, mở các kỳ bình văn thơ, tu sửa văn miếu hàng tỉnh, hô hào bài trừ hủ tục. Ông ngăn cấm tệ tham nhũng. Những lệ cũ chánh tổng, lý trưởng nộp “lệ phí”, lên huyện, tỉnh, thực chất là đút lót, ông đều cho sung công quỹ để chi phí việc công ích và phát chẩn cho vùng bị thiên tai, đói kém... Có chánh tổng hỏi ông cứ thanh liêm thế, về hưu lấy gì tiêu pha, ông đáp: “Nghề làm quan không phải để làm giàu. Ăn của dân cốt làm việc cho dân, trước là trị an, thứ đến là khuyến học, khuyến nông, muốn hưng lợi, trước tiên phải trừ tệ nạn. Dân vui là ta hết khó nhọc”. Ông năng đi thăm dân tình các làng xã, giải nỗi oan sai cho dân, có lần tấu sớ biện bạch lên Nam triều cứu mạng cho hàng trăm dân Thái Bình bị ghép tội “phản loạn”... Sinh thời, Phạm Văn Thụ có nhiều dịp gặp gỡ các bậc chí sĩ như Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Đinh Chương Dương, Nghiêm Xuân Quảng. Ông thường đem tiền lương ủng hộ các phong trào Đông Du thông qua người liên lạc là bà Nguyễn Thị Thanh (chị ruột Bác Hồ) cùng các cuộc vận động Duy Tân khác. Chính quyền Pháp từng nghi ngại, điều ông lên làm ở phủ Liêm sứ. Từ chối mãi không xong, ông đành nhận làm chân đọc đơn từ (1908-1910). Nhờ thế, biết được nhiều đơn thư mật báo tố giác những người chống chính quyền bảo hộ, ông đã tìm cách can thiệp, có lần giải thoát được các nhà yêu nước Nguyễn Hữu Cương, Chu Dưỡng Bình, những lần khác cứu được hàng trăm người liên quan đến nghĩa quân Đề Thám và vụ Hà thành đầu độc. Là nhà khoa bảng yêu nước, thương dân, đa sầu, đa cảm trước cảnh đất nước lầm than, người dân một cổ hai tròng, truyền thống văn hóa bị ngoại lai xâm hại, mai một, Phạm Văn Thụ đã trực tiếp góp công lớn trong việc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc, giữ gìn linh khí quốc gia. Ông là nhà nho cấp tiến, giỏi cả về cổ học lẫn tân học, lại là quan chức lớn được lòng cả Nam triều lẫn các quan chức bảo hộ người Pháp. Noi gương những nhà văn hóa như: Đặng Xuân Bảng, Nguyễn Thiện Thuật, Tô Huân, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến..., Phạm Văn Thụ khéo léo, can đảm và kiên quyết đứng ra bảo vệ sự tồn tại của nhiều di sản văn hóa cổ truyền mà bấy giờ đang bên bờ tiêu vong. Trong cơn biến động hiểm nghèo của hoàn cảnh phức tạp và éo le lúc đương thời, ông đã góp sức ngăn chặn mưu đồ của quân Pháp phá lăng Tự Đức để tìm vàng bạc sung quân quỹ. Khi chính quyền Pháp nghi ngờ đền Sóc Sơn, nơi thờ Thánh Gióng - một vị thần trong Tứ bất tử của tín ngưỡng người Việt - là nơi liên lạc của nghĩa quân Đề Thám, nên lệnh cho hào lý địa phương đốt đền Sóc Sơn, Phạm Văn Thụ đã đích thân đến nơi này, gặp Toàn quyền Đông Dương khi đó là Pierre Pasquier để can thiệp, thuyết phục, bảo vệ được khu di tích quý báu này khỏi bị tàn phá. Người đời còn ghi nhớ mãi nguyên văn những lời lẽ của ông khi can thiệp vào khu đền Sóc Sơn rằng: “Đây là nơi thờ Đức thánh Phù Đổng của nước Việt, nếu đốt thì dân sẽ phấn khích, dân mà phẫn nộ thì núi cũng phải đổ, rừng cũng phải tan, dù thời thế có thay đổi đến đâu thì linh khí với giang sơn cũng không thể bị tiêu hủy”. Đặc biệt, ông nhân danh thân sĩ Bắc Kỳ đứng lên đấu lý sắc bén, đầy tinh thần tự tôn dân tộc khi chính quyền Pháp định âm mưu biến Văn Miếu Quốc Tử Giám thành nhà thương và bỏ hai vạn lạng bạc để dời Văn Miếu về tỉnh Hà Đông. Phạm Văn Thụ tỏ thái độ cương trực và quyết liệt giữ lại Văn Miếu với lập luận: “Dẫu triều Nguyễn dời đô vào Phú Xuân cũng không hủy được Văn Miếu, phải để nguyên làm cổ tích nước Nam”. Trong thời gian cuối cùng phải lưu lại Huế làm Thượng thư Cơ mật viện đại thần, Đông các đại học sĩ, ông đã tập hợp được hơn bốn mươi người quê hương xứ Bắc tổ chức ra hội Châu Phả, quyên tiền mua đất bên núi Ngự Bình để xây chùa Tập Thiện. Việc làm của ông càng chứng tỏ Phạm Văn Thụ là một vị quan lo cho dân, có cái nhìn sâu rộng và rất hiểu thời cuộc để ứng biến uyển chuyển nhưng vẫn bản lĩnh, có công lớn cho con cháu ngàn đời sau khi kiên quyết không để người Pháp làm ô uế mảnh đất linh thiêng, xâm phạm vào biểu tượng văn hóa, tri thức của dân tộc. Không chỉ là người đi tiên phong và có công lớn trong việc bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc trong giai đoạn nhiều biến động của đất nước, Phạm Văn Thụ còn được người đương thời và các thế hệ sau này trân trọng với tư cách là học giả và tác giả của nhiều công trình có giá trị. Tuy các sáng tác thơ văn, câu đối, tuồng của ông phần nhiều đã bị thất lạc, nhưng hiện nay vẫn còn lưu giữ được các công trình quan trọng như: “Tân niên thuyết”, “Thái Bình thống chí” (địa chí bằng chữ Hán), “Đàn viên Ký ức lục” (tập hồi ký gần một nghìn trang viết tay bằng chữ Nôm)... Ông còn là người hiệu duyệt, viết đề từ và bình luận cho nhiều cuốn sách có giá trị như: “Quốc triều học luật giản yếu”1, “Trung học Việt sử toát yếu”, “Nữ huấn truyện”, “Hương Sơn hành trình tạp vịnh”, “Hương Sơn Quan Thế Âm chân kinh tân dịch”, “Việt sử kính” (tức Gương sử Nam của Hoàng Cao Khải), “An Nam sơ học sử lược”... Riêng cuốn “Đàn Viên ký ức lục” là tập hồi ký được ông viết sau khi được về nghỉ trí sĩ. Tập bản thảo không chỉ viết về tiểu sử cá nhân, gia đình, quê hương tác giả, mà còn là tư liệu quan trọng cung cấp nhiều sự kiện chính trị - xã hội của địa phương nơi ông làm quan, giúp hậu thế hiểu thêm những vấn đề lâu nay còn nghi hoặc. Ngoài việc phản ánh nhiều sự kiện chính trị quan trọng ở các tỉnh phía Bắc, ở triều đình Huế suốt hơn 30 năm Phạm Văn Thụ làm quan, “Đàn Viên ký ức lục” còn cho chúng ta hiểu nhiều tập tục cả tốt và xấu của xã hội nông thôn phía Bắc nước ta thời kỳ thuộc Pháp. Tự nội dung tập tư liệu cũng cho chúng ta thấy tinh thần yêu nước của nhân dân và sĩ phu cùng thủ đoạn cai trị của hàng loạt quan lại Pháp và những tên Việt gian khoác áo quan lại những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tháng 6 năm 1926, sau nhiều lần đề nghị, Phạm Văn Thụ được nghỉ hưu. Tuy vậy, mỗi khi có cuộc bạo động nào, triều đình Huế cũng như các quan lại Pháp cũng đều hỏi ý kiến ông. Sau hơn bốn năm về nghỉ tại quê nhà, ngày 12 tháng 6 Canh Ngọ (7-7-1930) ông bị bệnh đột ngột rồi mất tại quê nhà, thọ 65 tuổi. Khi ông mất đi, dân làng vô cùng thương tiếc, cử hành tang lễ trọng vọng, hậu duệ kính cẩn tôn thờ. Để tỏ lòng thương tiếc và ghi công một vị trọng thần mẫu mực, có nhiều công lao đóng góp với đất nước, được chính quyền bảo hộ vị nể, năm 1930, triều đình Huế đã cho xây khu lăng mộ thờ Phạm Văn Thụ và phu nhân tại quê nhà. Đây là công trình chạm khắc đá thời Nguyễn có giá trị về mặt kiến trúc và nghệ thuật trang trí. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, sự biến thiên của thời gian, lăng mộ Phạm Văn Thụ vẫn được bảo quản, gìn giữ khá nguyên vẹn. Đây cũng là nơi để người đời ghi nhớ công lao và những đóng góp của vị Phó bảng đối với nước nhà. Để tôn vinh công lao của vị quan đại thần triều Nguyễn, một người con ưu tú của quê hương Hưng Yên, ngày 23-10-2006, UBND tỉnh Hưng Yên đã có quyết định công nhận khu lăng mộ của Phó bảng Phạm Văn Thụ là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Trích nguồn: Ban Thường vụ Thị ủy Mỹ Hào