VŨ THỊ KÍNH (1929 – 1950)

Liệt sỹ, Anh hùng LLVTND Vũ Thị Kính (1929 - 1950)

Ngay từ trước cách mạng năm 1945, được hai người anh trong gia đình hướng dẫn, dìu dắt, VũThị Kính đã tham gia Việt Minh, làm liên lạc và phát triển phong trào trong nhân dân.

Khi thực dân pháp quay lai xâm lược nước ta một lần nữa, theo lời hiệu triệu “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-12/1946), Vũ Thị Kính thoát ly gia đình, tham gia lực lượng Việt Minh và đổi tên là Trần Thị Khang. 02­ năm 1947, Trần Thị Khang được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1949, cô được Tỉnh ủy điều động tham gia Huyện ủy, nhận nhiệm vụ Bí thư Ban Chấp hành Hội Phụ nữ cứu quốc huyệnPhù Cừ. Đầu năm 1950, giặc Pháp mở rộng vùng chiếm đóng ra toàn bộ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thôn La Tiến, xã Nguyên Hoà, huyện Phù Cừ là địa giới rất quan trọng giáp ranh với tỉnh Thái Bình. Các bốt và gác canh chiến lược của thực dân Pháp tăng cường kìm kẹp, bao vây gắt gao toàn địa bàn nhằm cắt đứt liên lạc giữa cán bộ, chiến sỹ với đồng bào ta.

Từ một cô gái đảm đang, dịu hiền, Trần Thị Khang được rèn luyện trở thành một nữ cán bộ, nữ du kích thông minh và dũng cảm. Ở những thôn đồng bào công giáo bị bọn phản động đội lốt tu sỹ lôi kéo chống phá cách mạng, Trần Thị Khang không quản ngại nguy hiểm, xông thẳng vào hang ổ bọn phản động để giác ngộ quần chúng. Đội du kích dưới sự chỉ huy của Trần Thị Khang nhiều phen làm cho địch kinh hồn bạt vía.

Đầu tháng 6 năm 1950, Trần Thị Khang về thôn Phạm Xá, xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ họp bàn với chị em chống càn và thu hoạch nhanh vụ lúa chiêm để phòng địch cướp phá. Trong một cuộc bao vây lùng sục của giặc Pháp, đồng chí Trần Thị Khang bị địch bắt. Kẻ thù đưa đồng chí về bốt La Tiến, được mệnh danh là “Lò cắt tiết, cối xay người” của thực dân Pháp và bè lỹ tay sai lúc bấy giờ. Biết rõ tài trí, sức ảnh hưởng của đồng chí với phong trào cách mạng của địa phương nói chung và Đội Nữ du kích Hoàng Ngân nói riêng nên kẻ thù tra tấn rất dã man hòng khai thác thông tin về hoạt động của Việt Minh và cách mạng, tìm cơ sở của Đảng và lực lượng du kích. Dụ dỗ không được, chúng dùng cực hình tra tấn hòng khuất phục ý chí của chị, như: Treo ngược người lên cành cây mà đánh đến khi ngất xỉu, tra tấn bằng điện, dùng kìm rút hết móng tay rồi cắm kim vào đó... Nhưng cực hình cũng không khuất phục được người con gái kiên trung với Đảng, với nhân dân. Ngất đi rồi tỉnh lại, chị  vẫn không ngớt vạch trần tội ác của bọn xâm lược, tuyên truyền giác ngộ những kẻ lầm đường lạc lối trở về với Tổ quốc. Tên quan Tư cho chị 5 ngày để nghĩ lại, nếu không sẽ xử bắn. Trần Thị Khang chờ đợi ngày đó mà không hề nao núng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cơ sở cách mạng và du kích. Vào một ngày cuối tháng 6 năm 1950, quân giặc đã giết hại chị bằng hình thức man rợ dưới gốc cây đa La Tiến, rồi vứt xác xuống dòng sông Luộc.

Trước khi hy sinh,Trần Thị Khang vẫn một lòng tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng và thắng lợi của cuộc kháng chiến đã hô to khẩu hiệu: “Đả đảo thực dân Pháp”; “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Hồ Chủ Tịch muôn năm!”. Năm đó, Trần Thị Khang mới 21 tuổi. Sự hy sinh của Trần Thị Khang như thúc giục trái tim những người đang sống sẽ chiến đấu đến cùng để giải phóng quê hương. Có thể nói, Trần Thị Khang là tấm gương sáng về phẩm chất anh hùng cách mạng của nữ du kích Hoàng Ngân (Hưng Yên).

Tin Trần Thị Khang bị giặc giết hại dã man đã dấy lên một làn sóng căm thù trong phụ nữ và nhân dân Hưng Yên. Ban Chấp hành Phụ nữ cứu quốc tỉnh Hưng Yên đã phát động phong trào phụ nữ toàn tỉnh học tập gương trung liệt của đồng chí Trần Thị Khang; lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên đã phát động “Tuần lễ giết giặc, trả thù cho chị Trần Thị Khang”. Nhiều tên giặc đã phải đền mạng. Năm 1951, Đại hội Phụ nữ Liên khu III đã tuyên dương công trạng và truy tặng Bằng khen cho người hội viên trung kiên, bất khuất Trần Thị Khang. Chính phủ cũng đã truy tặng đồng chí Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Ngày 08-01-2000, Chủ tịch nước ký Quyết định truy tặng Vũ Thị Kính (Trần Thị Khang) danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.

Nhà lưu niệm Lực lượng Nữ du kích Hoàng Ngân và Anh hùng LLVTND Vũ Thị Kính tại xã Xuân Dục

Để tỏ lòng tri ân, ghi nhớ công lao đóng góp của lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên và người cán bộ cách mạng ưu tú của tổ chức Hội, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Khang, năm 2016, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh được giao làm chủ đầu tư công trình Nhà lưu niệm lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Khang tại quê hương của chị.

Nhà lưu niệm là nơi lưu giữ các tư liệu, hiện vật của lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân Hưng Yên, tư liệu về phong trào phụ nữ tỉnh Hưng Yên qua các thời kỳ, các tư liệu và hiện vật giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, tinh thần cách mạng sáng ngời của Trần Thị Khang. Công trình trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống, động viên thế hệ trẻ, các tầng lớp phụ nữ Hưng Yên tiếp tục phát huy truyền thống, nỗ lực học tập, rèn luyện và cống hiến cho sự nghiệp phát triển của quê hương, đất nước trong thời kỳ mới.

Khu thờ Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Vũ Thị Kính tại Nhà lưu niệm Lực lượng Nũ du kích Hoàng Ngân

Với giá trị lịch sử, giá trị văn hóa và những đóng góp của lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân Hưng Yên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sự hy sinh cao cả của Liệt sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Thị Kính (Trần Thị Khang), ngày 12-6-2018, UBND tỉnh đã ra quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Nhà lưu niệm Lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân Hưng Yên và Liệt sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Thị Kính (Trần Thị Khang).

Trích nguồn: Ban Thường vụ Thị ủy

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
140 người đang online